1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Vay hơn 1,5 tỷ USD để đầu tư giao thông, chống ngập

(Dân trí) - Để có tiền đầu tư 7 dự án giao thông và chống ngập trọng điểm, UBND TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận đưa các dự án này vào danh mục đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trong năm tài khóa 2015-2018.

Tổng số vốn để triển khai 7 dự án mà TPHCM đề nghị WB tài trợ là hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, 2 dự án lớn nhất là dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 (lưu vực Nhiêu Lộc - Thi Nghè) với tổng vốn đầu tư 524 triệu USD (vốn vay là 450 triệu USD) và dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM với ước tổng vốn đầu tư 763 triệu USD.

TPHCM: Vay hơn 1,5 tỷ USD để đầu tư giao thông, chống ngập
Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thi Nghè đã xong giai đoạn 1, đang chờ vốn triển khai giai đoạn 2

Các dự án còn lại đều có mức vốn từ vài chục đến hơn một trăm triệu USD. Cụ thể, dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD; dự án Cống kiểm soát triều Bến Nghé với ước tổng vốn đầu tư 12 triệu USD; dự án Cống kiểm soát triều Phú Xuân với ước tổng vốn đầu tư 29 triệu USD; dự án Đê bao bờ tả sông Sài Gòn (đoạn từ Rạch Cầu ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm) với ước tổng vốn đầu tư 68 triệu USD; dự án thành phần số 5 và số 6 Xây dựng và cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2,3 và cấp nước ngoài lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm với ước tổng vốn đầu tư 125 triệu USD.

Trước đó, TPHCM cũng đã kiến nghị Trung ương cho phép thành phố sử dụng nguồn vốn vay kết dư của WB thuộc Tiểu Dự án Nâng cấp đô thị TP cho các công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật khác.

Cụ thể, TPHCM đề nghị sử dụng số vốn vay kết dư này đầu tư vào các công trình như: cải tạo vỉa hè, cây xanh, cảnh quan trong lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm; nâng cấp, cải tạo cầu Ông Buông 1 & 2 trên kênh Tân Hóa – Lò Gốm; nâng cấp, mở rộng đường Lũy Bán Bích – Tân Hóa quận 6, 11, Tân Phú.

Theo UBND TPHCM, việc đầu tư các hạng mục nói trên nhằm đồng bộ, tăng mỹ quan đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm; phát huy tính kết nối về hạ tầng kỹ thuật giữa lưu vực này và các vùng phụ cận; giảm bớt áp lực giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi hơn của người dân thành phố.

Tùng Nguyên