1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

TPHCM: Ùn tắc, tai nạn đều tăng

(Dân trí) - Theo báo cáo sơ kết tình hình an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong quý 1/2009 của Ban An toàn giao thông TPHCM: số vụ ùn tắc và tai nạn giao thông đều tăng cao.

TPHCM: Ùn tắc, tai nạn đều tăng  - 1
 
Cụ thể, theo báo cáo này, trong quý 1/2009 toàn thành phố đã xảy ra 278 vụ tai nạn giao thông, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái; 15 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài trên 30 phút, tăng gấp 3 lần cùng kỳ.

 

Đầu tháng 3, nhận thấy tình hình an toàn giao thông trong tháng 2 diễn biến theo chiều hướng xấu, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các ban ngành tăng cường vai trò quản lý, điều tiết để kéo giảm tai nạn và ùn tắc. Tuy nhiên, trong tháng 3/2009, tình hình càng xấu hơn.

 

Riêng trong tháng 3 năm 2009, trên địa bàn TP đã xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông (tăng 12 vụ so với tháng 2), làm chết 77 người và bị thương 51 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông tăng 13 vụ, số người chết tăng 5 người, số người bị thương tăng 20 người. Các quận-huyện có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao là quận Gò Vấp và Bình Tân.

 

Trong đó, tình trạng kẹt xe 3 tháng đầu năm diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, không chỉ tăng về số vụ mà số điểm ùn tắc còn mở rộng ra khắp thành phố khi hàng loạt công trình đào đường thi công lắp cống thoát nước ồ ạt triển khai trên hàng loạt tuyến đường trục để chạy tiến độ.

 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM thì đến nay trên toàn thành phố có hơn 250 rào chắn triển khai trên 86 tuyến đường. Nghiêm trọng hơn là do Dự án Vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè do phải chạy tiến độ để giải ngân càng nhiều vốn vay ODA càng tốt nên phải triển khai đồng loạt trên nhiều trục đường chính, bất chấp cả nguy cơ gây ùn tắc mà ai cũng thấy rõ.

 

Đầu tháng 2/2009, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng cho biết một trong những giải pháp chống ùn tắc chính của Sở khi triển khai đào đường là cấp phép đào đường xen kẽ. Tức là các trục đường chính cùng hướng sẽ được luân phiên đào, khi xong đường này mới đào đường kia. Ví dụ: muốn đào đường Lê Văn Sĩ thì phải đợi xong đường Nguyễn Văn Trỗi, muốn đào Hai Bà Trưng phải xong đường Trần Quang Khải…

 

Tuy nhiên, do yếu tố chạy tiến độ nên trong tháng 3, Sở phải triển khai đào đồng loạt các tuyến Lê Văn Sĩ, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng 8… dù đường nguyễn Văn Trỗi, Phan Đăng Lưu, Trần Quang Khải… vẫn chưa xong, rào chắn vẫn còn đó. Do vậy, hầu như tất cả các tuyến đường trục nối khu trung tâm thành phố với vùng ngoại thành phía Bắc, Tây Bắc đều chen đầy lô cốt, gây nên tình trạng kẹt xe khủng khiếp mỗi ngày, mỗi giờ.

 

Đặc biệt là tình trạng các rào chắn tiến về phía giao lộ các con đường trong tháng 3 vừa qua xuất hiện nhiều, chẳng hạn như các giao lộ: Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hoa Thám – Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi – Trương Quốc Dung… Điều này càng khiến tình trạng ùn tắc diễn biến dữ dội hơn, dù tại các giao lộ như thế luôn túc trực lực lượng điều tiết là trật tự viên thanh niên xung phong hoặc cảnh sát giao thông.

 

Ngoài ra, tình trạng thi công cẩu thả, tái lập mặt đường cho có lệ, rào chắn thiếu an toàn… cũng gây nên nhiều trở ngại và tai nạn cho người dân trong quá trình lưu thông. Dù Thanh tra sở GTVT trong 3 tháng đầu năm 2009 tăng cường triển khai công tác thanh tra, giám sát và xử phạt nặng nhưng hình như tình trạng này không giảm; mỗi tuần Thanh tra Sở đều lập vài chục biên bản xử phạt, nhắc nhở hàng trăm trường hợp.

 

Tùng Nguyên