1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM trước nguy cơ sa mạc hoá

TPHCM tự hào có “lá phổi” là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Vì cách “cơ thể” đến 70km, nên hàng ngày người dân phải hít thở không khí trong lành từ lá phổi khác, đó là các mảng xanh, công viên nội đô. Thế nhưng, đà phát triển đô thị như hiện nay đã đẩy TPHCM đối mặt với nguy cơ “sa mạc” hóa đô thị.

Xóa xổ biệt thự...

Theo nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu, khoảng năm 1870, khi mở rộng sang quận 3, Pháp bán đấu giá các khu đất nơi đây để xây biệt thự. Diện tích đất xây biệt thự thường có bề ngang 20m, chiều dọc tùy thuộc vào mức rộng hẹp của tuyến đường mà có diện tích 20x30m có khi 40x60m, nhưng tối thiểu phải là 400m2 .

Khi đấu giá, có người mua một thửa bề ngang 20m, cũng có người gom mua hai hoặc ba thửa để xây biệt thự lớn. Biệt thự gồm hai lớp tường, quanh nhà có hành lang để tránh nóng, xây hệ thống thoát nước.

Nói chung, khi xây biệt thự, chủ nhà phải làm theo quy định từng chi tiết, một phần diện tích dành xây dựng còn phần lớn để làm vườn, trồng cây xanh. Do đó, các mảng xanh trong khuôn viên biệt thự đã mang lại không khí mát mẻ trong lành không chỉ dành riêng cho những ngôi biệt thự mà cả khu vực, đó chính là lá phổi của đô thị!

Chính cách làm như vậy đã để lại trong tiềm thức người Sài Gòn câu nói “ăn quận 5, nằm quận 3”. Đáng tiếc là, với tốc độ mọc nhanh cao ốc như hiện nay thì mảng xanh hiếm hoi đó đang đối diện với nguy cơ bị xóa xổ...

Tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Hồ Xuân Hương, khách sạn Thủy Tiên cao 6 tầng lầu hoạt động khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, sát vách tường phía phải của khách sạn này là hai phần ba mái ngói của ngôi biệt thự cổ còn lại, khá tồi tàn, mục nát. “Khu đất này trước đây chỉ có một chủ, khuôn viên rộng nên trồng rất nhiều dừa, mận và mít. Khi tôi mở đại lý bán vé số, ngồi “ké” dưới bóng cây không cần che dù. Nhưng sau đó, chủ biệt thự đã sang qua bán lại, bây giờ mảnh đất này thành hai chủ. Một phần xây thành khách sạn, cây xanh bị đốn bỏ”, chị Nguyễn Thị Lan nhà ở hẻm Hồ Xuân Hương, phường 6 kể.

Cách đó không xa là tòa cao ốc 127 Pasteur đang xây, cao 22 tầng lầu. Bác Vũ Minh Thảo, ngụ tại khu nhà tập thể sát bên rất luyến tiếc một không gian đã bị “đánh mất”: “Khi cao ốc Pasteur xây lên cũng là lúc làm biến mất một khu vườn râm mát bóng cây. Trước đây, mỗi sáng thức dậy tràn đầy tiếng chim hót líu lo, còn bây giờ, vừa mở mắt là nghe tiếng rít của máy cưa, tiếng gầm rú của máy móc thi công...”.

Ông Phan Thế Huy, Phó Phòng Quản lý Đô thị quận 3 cho biết, việc cấp phép xây dựng cho những tòa nhà này trước đây thuộc thẩm quyền TP. Hiện nay giải pháp ngăn chặn chưa có, như vậy không lâu nữa “lá phổi” hiếm hoi này sẽ bị băm nát, trong khi trên địa bàn quận 3 không có một công viên!

Chung cư không công viên

Những khu đô thị sau khi chỉnh trang trông thật đẹp, khu nhà mới cao tầng, khang trang thay cho nhà ổ chuột. Tuy vậy, chuyện ngược đời đã xảy ra: chung cư mọc lên nhưng thiếu công viên, hoặc chỉ có lấy lệ.

Cụm chung cư Phạm Viết Chánh, Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh cao nghễu, luôn gợi đến sự vươn lên của TP trước khi qua cầu Sài Gòn để vào nội đô. Chung cư Phạm Viết Chánh có bốn lô với gần 700 căn hộ nhưng không có công viên.

Lùi phía sau là chung cư Ngô Tất Tố, gồm có 4 lốc với 400 căn hộ, tuy khá hơn là có một công viên nhưng lại hết sức khiêm tốn vì quá... nhỏ bé. Như vậy, nếu tính trung bình mỗi hộ có 4 người nhân với gần 1.100 căn hộ thì số người đang an cư tại hai chung cư trên lên đến 4.000 người! Người thì đông, công viên không có đã gây nên phiền toái cho môi trường sống.

Anh Lê Văn Lộc, một thầy giáo sống nhiều năm tại chung cư Phạm Viết Chánh chậc lưỡi: “Chỉ có được mỗi việc đi làm là gần!”. Bởi vì, khi thức dậy muốn tập thể dục, hít thở không khí trong lành anh phải vào sở thú hoặc khu du lịch Văn Thánh!

Chỉ vài năm thôi, bộ mặt đô thị quận 4 nổi như một hiện tượng mới vì tốc độ chỉnh trang rất nhanh, nhà cao tầng nối nhau mọc lên lớp lớp, khẳng định vị thế đặc biệt của quận 4 trên hành trình tiến về Đông.

Tại phường 3, quận 4 - muốn thực hiện được ba dự án lớn là khu nhà ở Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ, Trường học cấp 2-3 Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 phải đối mặt với thách thức khi giải tỏa trắng 700 hộ dân. Giải pháp táo bạo được thực thi: sẵn sàng cho mua trả góp 10 năm đối với các hộ dân chỉ đủ tiền trả 50% so với giá trị căn hộ cho việc bố trí tái định cư. Thế là năm lốc chung cư với 776 căn hộ lần lượt hoàn thành.

Tuy nhiên, cũng giống như những khu chung cư khác, sau khi chỉnh trang quận 4 đã để lộ ra “căn bệnh” khác: thiếu công viên! Với gần 3.000 người đang sinh sống trong 5 lốc chung cư nhưng chỉ có một công viên nhỏ bé nằm dưới đất! Nỗ lực làm tăng thêm khoảng xanh cho chung cư là “bê” công viên lên tầng 12. Thật ra, đó là giải pháp tình thế, tận dụng tối đa diện tích đất để xây nhà mà thôi. Điều này cũng đang xảy ra tại hai chung cư sắp hoàn thành nằm trên đường Hoàng Diệu: chỉ là khối bê tông chứ không có đất dành cho công viên.

Đô thị văn minh hiện đại không chỉ dùng để ở mà còn là nơi người dân được thư giãn, hít thở không khí trong lành. Rõ ràng với cách làm như trên, TPHCM đang làm xơ cứng, “sa mạc” hóa đô thị!

Theo Lương Thiện - Lạc Phong
Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm