1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Tổng kiểm tra chất lượng xăng dầu

Hôm nay, Tổng cục Đo lường Chất lượng sẽ kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh xăng dầu tại TPHCM, đồng thời kiến nghị tiến hành kiểm tra trên toàn quốc. Sở Khoa học Công nghệ TPHCM cũng sẽ có các cuộc kiểm tra đột xuất trên địa bàn thành phố.

Cuộc tổng kiểm tra được tiến hành sau khi có thông tin phản ánh của người tiêu dùng về việc nhiều xe gắn máy bị hỏng pôngtu van điều tiết lượng xăng xuống bình xăng con, nghi ngờ nguyên nhân do chất lượng xăng dầu.

Chiều 24/8, ông Ngô Quý Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) đã có cuộc trao đổi quanh về vấn đề này.
 
Vấn đề chất lượng xăng dầu (XD) từ khá lâu đã trở thành điểm nóng tại TPHCM, tại sao bây giờ cơ quan quản lý mới vào cuộc, thưa ông?

Mấu chốt của vấn đề này là thủ tục hành chính. Ngay cả khi cơ quan quản lý muốn thực hiện, lực lượng kiểm tra cũng không thể tức thì nhảy vào kiểm tra DN vì như thế là vi phạm nguyên tắc. Theo tin tôi nhận được thì TPHCM mở chiến dịch kiểm tra toàn diện đến ngày 15/9.

Ông nói đến thủ tục hành chính, vậy nhanh nhất bao lâu sẽ thành lập được đoàn kiểm tra xử lý vi phạm?

Hiện chưa có quy định bao lâu thì phải lập đoàn kiểm tra. Tuy nhiên nếu phản ứng nhanh thì cũng phải 3-4 ngày. Và như thế lại là quá chậm.

Nói như ông thì chẳng lẽ lại không có cách nào để kiểm tra đột xuất phát hiện vi phạm?

TPHCM đã lập đường dây nóng để dân phản ánh những địa điểm vi phạm về đo lường và chất lượng XD. Khi có phản ánh thì mới được kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, nhanh thì cũng phải trong 1 ngày và nhất thiết phải có văn bản quyết định lập đoàn và cho kiểm tra. Tuy nhiên, lại có quá nhiều khó khăn khi kiểm tra đột xuất.

Nếu nhân viên kiểm tra của chi cục phát hiện vi phạm cũng không thể xử phạt mà chỉ được niêm phong rồi đi gọi các lực lượng khác. Điều này là bất cập vì nơi vi phạm sẵn sàng phá niêm phong và chối cãi. Đồng thời, cũng không dễ khi có đủ lực lượng liên ngành để kiểm tra đạt hiệu quả, ngăn chặn hành vi chống đối.

Tổng cục đang đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho phép nhân viên kiểm tra được quyền lập biên bản vi phạm và xử phạt tại chỗ. Bên cạnh đó việc thanh tra theo kế hoạch hoặc phải chờ đến khi phát hiện vụ việc cũng là lý do khiến công tác kiểm tra thường đi sau sự vụ.

Nếu cứ kiểm tra theo kế hoạch và vụ việc thì liệu có khiến các nơi vi phạm sẽ kịp thời đối phó?

Có thể xảy ra hiện tượng nơi này báo cho nơi kia; nhân viên trong cuộc biết thông tin sẽ báo cho nơi sắp bị kiểm tra... Và nếu xảy ra thì đúng là cũng khó cho công việc.

Theo ông, mức xử phạt hiện nay có đủ sức răn đe những vi phạm?

Mức phạt tối đa 20 triệu đồng không đủ sức răn đe vì nếu vi phạm trót lọt, lợi nhuận là rất lớn; còn nếu bị phạt thì cũng chỉ cần tái vi phạm trong thời gian ngắn là đủ sức bù đắp. Theo tôi cần có hình thức xử phạt thật nặng, khiến DN không phá sản thì cũng hết khả năng kinh doanh. Chỉ như thế thì DN mới dè chừng nếu có ý định vi phạm.

Bên cạnh đó, như tôi đã nói chi phí cho kiểm tra, phân tích tạp chất trong xăng dầu vi phạm là không nhỏ. Vì thế, cũng cần quy định nếu DN vi phạm thì mọi chi phí DN phải gánh chịu, ngoài khoản phạt hành chính; nếu không vi phạm thì cơ quan quản lý mới phải chịu khoản chi phí này.

Không chỉ có TPHCM mới xảy ra vi phạm, vậy việc kiểm tra và quản lý ở những địa phương khác được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Vấn đề đo lường và chất lượng XD liên quan đến nhiều DN và đông đảo người tiêu dùng, vì thế Tổng cục TCĐLCL cũng đã kiến nghị Bộ KHCN cho tổng kiểm tra trên toàn quốc, nhằm đánh giá tổng thể, xử lý vi phạm và thắt chặt quản lý.

Xin cảm ơn ông.

Theo Anh Xuân
Lao Động