1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Tốn 180 tỷ đồng để chống ngập cho... 1 km2

(Dân trí) - Trong 10 năm qua, TPHCM chi gần 24.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập nhưng chỉ đạt khối lượng công việc rất hạn chế. Dự kiến, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố cần chi 100.241 tỷ đồng để giải quyết ngập cho khu vực rộng 550 km2.

UBND TPHCM vừa có báo cáo tóm tắt về giải quyết ngập khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020.

Trong 5 năm tới (2016 - 2020), TPHCM cần huy động 66.820 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập
Trong 5 năm tới (2016 - 2020), TPHCM cần huy động 66.820 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập

Theo UBND TP, chỉ tính trong 10 năm qua thành phố đã bỏ ra gần 24.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch, xây dựng hệ thống cống thoát nước nhưng cũng chỉ đủ để thực hiện một khối lượng công việc rất hạn chế. Trong số gần 24.300 tỷ đồng có khoảng 18.700 tỷ đồng đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch nhưng chỉ cải tạo được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch.

Trong 5 năm tới, để chống ngập, thành phố tiếp tục xây dựng và cải tạo 200 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (dài 32 km) và rạch Xuyên Tâm (dài 8,2 km); xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao; xây dựng 3 hồ điều tiết. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư xây dựng 8 cống kiểm soát triều, 68 cống nhỏ dưới để và 19km bờ bao xung yếu thuộc 2 bờ sông Sài Gòn.

Để thực hiện các dự án trên, thành phố cần tổng nguồn kinh phí khoảng 100.241 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí chưa có nguồn vốn cần huy động là 66.820 tỷ đồng. Nếu được triển khai thực hiện, các dự án trên sẽ giải quyết chống ngập cho khu vực rộng 550 km2 của thành phố và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu dân thuộc 13 quận trung tâm.

Với số tiền 66.820 tỷ đồng, phương án tài chính được thành phố đưa ra là chi từ ngân sách thành phố 7.500 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 15.885 tỷ đồng. Tuy vậy, dù đã cố gắng huy động toàn bộ các nguồn lực thì thành phố vẫn còn thiếu 43.435 tỷ đồng. Số tiền này thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ.

Theo đó, đối với các hạng mục không có nguồn thu để trả nợ, thành phố kiến nghị được tiếp cận nguồn vốn vay ODA ưu đãi và nguồn ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) để vay 26.365 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố sẽ vay Ngân hàng Nhà nước 9.850 tỷ đồng. Cụ thể, đối với các dự án chống ngập là dự án an sinh xã hội, không có lợi nhuận, không có nguồn thu để bù đắp chi phí, UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cho thành phố vay gói 10.000 tỷ đồng, thời hạn vay là 10 năm với lãi suất 0%/năm. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không đồng ý lãi suất 0%/năm, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ phần lãi vay cho thành phố.

Còn lại số tiền 7.220 tỷ đồng, thành phố kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ cho thành phố phần vốn vay từ Chương trình mục tiêu quốc gia hoặc từ nguồn bán vốn Nhà nước khi cổ phần hóa các Tổng công ty thuộc thành phố quản lý.

Theo UBND TP, nguyên nhân khách quan gây ngập là do lượng mưa tăng cao trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, mưa tăng cả về tần suất và vũ lượng; đỉnh triều cường tăng đột biến, đạt +1,68 m. Bên cạnh đó, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn trước đây (trước năm 1975) chỉ đáp ứng quy mô khoảng 2 triệu dân. Tuy nhiên, hiện nay dân số của thành phố đã hơn 10 triệu người, chưa tính dân vãng lai, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngập là hệ thống sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nạo vét, gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước. Còn hệ thống cống thoát nước vốn có tiết diện nhỏ, lại cũ, hư hỏng, chưa có điều kiện thay thế. Cùng với ý thức của người dân còn hạn chế và công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo nên nhiều nơi bị lấn chiếm trái phép và tình trạng xả rác ra kênh, rạch, cửa xả vẫn còn phổ biến làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống cống, cửa xả.

Trước đây, thông số đầu vào để lập quy hoạch thoát nước, vũ lượng mưa tối đa trong 3 giờ là 95,91mm, đỉnh triều cường là +1,32 m nhưng do biến đổi khí hậu, trong những năm qua có những trận mưa chỉ trong 1 giờ đã đạt vũ lượng 100mm – 122mm và đỉnh triều cường đã đạt tới +1,68 m. Do đó, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng đã trở nên quá tải.

Quốc Anh