TPHCM tốn 16.300 tỷ đồng di dời hơn 20.000 căn nhà ven kênh, rạch

(Dân trí) - Đến năm 2020, TPHCM phấn đấu cơ bản hoàn tất việc di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn. Dự kiến kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 20.000 căn nhà là 16.300 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Trên đây là nội dung đáng chú ý trong tờ trình về 7 chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020), do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trình bày sáng 24/9 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đọc tờ trình về 7 chương trình hành động của Thành ủy
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đọc tờ trình về 7 chương trình hành động của Thành ủy

Về chương trình đào tạo nguồn lực ngành y tế, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP phấn đấu đạt chỉ tiêu 20 bác sĩ/10.000 dân, 35 điều dưỡng/10.000 dân; 100% bệnh viện hạng A có dược sĩ lâm sàng; 100% trạm y tế có 2 bác sĩ, hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% cán bộ y tế được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ.

Về giáo dục, TP phấn đấu đến năm 2020 thu hút ít nhất 2.000 sinh viên các nước khu vực Đông Nam Á đến học tập; có ít nhất 2 trường cao đẳng thuộc TP đáp ứng tiêu chí xây dựng trường tiên tiến, ít nhất 1 trường đại học đạt chuẩn ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và 100% các trường công lập đăng ký công nhận trường tiên tiến. Bên cạnh đó, TP cũng đặt mục tiêu 80% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Đối với chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng nhu cầu hội nhập, TP đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) bình quân hàng năm tăng từ 8-8,5%, trong đó khu vực dịch vụ tăng bình quân hàng năm từ 9-9,6%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông – lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tỷ trọng của dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm từ 56-58%.

Về chương trình giảm ô nhiễm môi trường, TP đặt mục tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; giảm 70% mức độ ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông; 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Ngoài ra, TP cũng phấn đấu 40% chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, làm phân compost và đốt; 60% còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh.

TPHCM sẽ di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch
TPHCM sẽ di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch

TP sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần 5 khu vực ngoại vi rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân. TP sẽ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập cho 13/17 tuyến đường; 179 tuyến hẻm. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 23 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm thời bằng giải pháp cấp bách trước đây. Xóa ngập cho 9 tuyến đường bị ngập do triều.

Ngoài ra, TP phấn đấu hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (131.000m3/ngày), Nhiêu Lộc – Thị Nghè (148.000m3/ngày), Bình Hưng giai đoạn 2 (nâng công suất lên 469.000m3/ngày). Đồng thời, triển khai xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa – Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1, Tây Sài Gòn và mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, với tổng công suất 777.000m3/ngày.

Về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, đến năm 2020 TP sẽ làm mới và đưa vào sử dụng 272km đường bộ; 76 cây cầu; khối lượng hành khách công cộng đáp ứng từ 15-20% nhu cầu giao thông đô thị. Trong khi đó, TP phấn đấu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương hàng năm xuống 5% so với năm liền kề trước đó.

TP cũng sẽ tháo dỡ 50% số lượng chung cư cũ hư hỏng (237 chung cư) trong tổng số 474 chung cư để xây dựng mới thay thế. TP tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển thêm 2,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Quốc Anh