1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Tốc độ xe cơ giới gấp đôi... đi bộ

(Dân trí) - “Trong giờ cao điểm, vận tốc xe máy là 10km/h, ô tô là 8km/h” - ông Bùi Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải TPHCM công bố tại Hội thảo Kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TPHCM ngày 10/12.

Kết quả này dựa vào khảo sát của phòng QLGTĐT và nguyên nhân chính, theo ông Cường là sự quá tải của hạ tầng giao thông thành phố vì thế tốc độ xe cơ giới hiện chỉ gấp đôi... đi bộ.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Tính, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cũng thừa nhận là hiện TP có gần 4 triệu phương tiện cơ giới nên hệ thống hạ tầng hiện tại không thể đảm bảo lưu thông tốt và nguy cơ kẹt xe càng nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Do vậy, tại hội thảo này, ông Lư Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà TP đang triển khai.

Theo quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng vùng TPHCM đến năm 2025 thì TP cần xây dựng thêm 7 đường cao tốc, 6 đường trục hướng tâm, 3 đường vành đai, 4 đường trên cao, 6 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất... Tổng kinh phí xây dựng dự kiến cho các dự án này lên đến hàng chục tỷ USD, chỉ riêng số vốn cho các dự án thành phần kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2008 - 2010 đã là 50.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp tốc độ gia tăng xe cơ giới gây kẹt xe, ông Bùi Xuân Cường cũng đề cập đến nguyên nhân chủ quan thứ 2 là tình trạng phát triển đô thị quá cao tại khu trung tâm TP.

Điều này khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính hiệu quả của hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng trên. Vì hầu hết các dự án này đều tập trung tại khu trung tâm TP, khi triển khai sẽ càng gây trở ngại cho giao thông và chưa chắc giải quyết rốt ráo vấn đề kẹt xe.

Trong khi đó, nửa năm qua Sở Quy hoạch Kiến trúc TP liên tục thông qua quy hoạch tầng cao của các quận trung tâm theo hướng tăng thêm tầng cao. Tuy có quy định mật độ xây dựng dưới 75% nhưng việc vi phạm là thường xuyên xảy ra tại TPHCM. Vì vậy, chắc chắn là khu trung tâm sẽ ngày càng nén chặt hơn.

Ông Wendell Cox, Giám đốc Văn phòng tư vấn chính sách công Wendell Cox (Mỹ), cũng từng cảnh báo là đừng tạo sức nén cho khu trung tâm. Vì khi đó, các dự án hạ tầng chỉ là chạy đuổi theo nhu cầu giao thông và lúc nào cũng hụt hơi; tức là kẹt xe tới đâu thì nâng cấp hạ tầng tới đó và không bao giờ dẹp được tình trạng này.

Trong khi đó, nếu phát triển đô thị hài hòa giữa vùng ven và vùng trung tâm, giữa quy hoạch dân cư và quy hoạch giao thông thì sẽ tận dụng được ưu thế đất rẻ, phát huy được lợi ích đất rộng tại các vùng ngoại thành, tái cấu trúc lại các tuyến lưu thông cho hợp lý hơn thì tình trạng ách tắc khó có điều kiện xảy ra. Có như vậy, TP mới tránh được cảnh xe cơ giới mà tốc độ chỉ gấp 2 lần đi bộ.

Tùng Nguyên