1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM tính phương án giải cứu tuyến buýt điện đầu tiên

Q.Huy

(Dân trí) - Sau hơn một năm thí điểm, tuyến buýt điện đầu tiên của TPHCM (tuyến D4) báo lỗ gần 30 tỷ đồng. Sở GTVT TPHCM sẽ đề xuất UBND thành phố nâng tỷ lệ trợ giá cho loại phương tiện này.

Sau hơn một năm thí điểm, tuyến buýt điện đầu tiên của TPHCM (tuyến D4) báo lỗ gần 30 tỷ đồng. Công ty vận hành có khả năng phải xin ngừng hoạt động tuyến buýt điện này vào cuối năm nay.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, chiều 23/11, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã gửi tới phản hồi liên quan vấn đề này.

TPHCM tính phương án giải cứu tuyến buýt điện đầu tiên - 1

Khai trương xe buýt điện đầu tiên tại TPHCM hồi tháng 3/2022 (Ảnh: Hải Long).

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, tuyến buýt D4 thực hiện được 28.842 chuyến vận chuyển với khoảng 819.075 lượt hành khách. Kết quả này đã giúp TPHCM giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Về chất lượng dịch vụ, kết quả khảo sát hành khách cho thấy, tuyến buýt điện đầu tiên của TPHCM đều đạt 89-95 điểm (thang điểm 100). 

Qua hoạt động, sản lượng hành khách tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tuyến buýt điện của TPHCM vẫn gặp nhiều khó khăn, lượng khách tăng trưởng không như kỳ vọng.

Công ty vận hành tuyến buýt điện D4 nhận định, tỷ lệ trợ giá 44,1% đang được hưởng là thấp trong điều kiện hiện nay. Điều này dẫn đến sự thua lỗ của công ty. Do đó, đơn vị này đề nghị điều chỉnh mức trợ giá để phù hợp hơn cho các tuyến buýt điện của TPHCM.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn và khuyến khích đơn vị vận tải tham gia đến hoạt động vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị vận hành tuyến buýt điện D4 nhằm thống nhất báo cáo, đề xuất UBND TPHCM xem xét, điều chỉnh tỷ lệ trợ giá phù hợp, tương đương tỷ lệ trợ giá bình quân của hệ thống xe buýt hiện hữu.

Trước đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị đã được Sở GTVT TPHCM gửi tới một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ôtô và Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM.

Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022-2030, giai đoạn 2 từ năm 2031-2050.

Trong giai đoạn 1, dự kiến 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại TPHCM đạt 25%. 

Giai đoạn 2, từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.