1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM tìm phương án tối ưu thi công công trình ngầm

(Dân trí) - Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM thực hiện rất nhiều công trình ngầm nhưng sử dụng công nghệ đào hở, phải chắn đường gây nhiều phiền toái cho hoạt động giao thông.

Phiền toái do rào chắn đào đường là mà người dân TP đều lo ngại trong những năm 2009 – 2011 khi TP thực hiện dự án Vệ sinh môi trường, mở hàng loạt hướng đào trong khu vực nội thi. Khi hàng loạt rào chắn được dựng lên, tình trạng kẹt xe tăng đột biến, những hộ kinh doanh bị rào chắn che khuất lâm vào tình trạng ế ẩm…

TPHCM tìm phương án tối ưu thi công công trình ngầm
Việc thi công các công trình ngầm bằng phương pháp đào hở gây nhiều phiền toái cho đời sống người dân

Nhưng thực tế là TPHCM ngày càng phát triển, phải thi công nhiều công trình ngầm như đường ống thoát nước, hầm đường bộ, tàu điện ngầm… nên việc phải thi công đào đường là không thể tránh khỏi. Do đó, TP vẫn tìm kiếm những giải pháp khả thi để có thể vừa thi công các công trình ngầm hiện đại mà không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

Trong 2 tuần qua, TP đã tổ chức nhiều hội thảo về công nghệ kích ống ngầm để giới quan chức và nhà khoa học TP đánh giá tính hiệu quả và khả thi của công nghệ này khi áp dụng vào tình hình thực tế tại TPHCM.

Ngày 25/5, tại hội thảo ứng dụng công nghệ khoan kích ống ngầm tại các đô thị Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang đánh giá công nghệ khoan kích ống ngầm là công nghệ mới nhưng có rất nhiều ưu điểm và có thể thực hiện tại một số dự án xây dựng công trình ngầm ở nước ta.

TPHCM được xem là nơi đầu tiên ứng dụng công nghệ này khi thi công tuyến cống D3000 băng qua sông Sài Gòn trong dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong quá trình thi công xảy ra một số sự cố nên nhiều chuyên gia vẫn chưa an tâm về công nghệ này. Tuy vậy, cuối cùng thì hạng mục này cũng thi công hoàn tất bởi 1 đơn vị trong nước là Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TPHCM (UDC).

Qua thực tiễn vừa áp dụng thành công công nghệ ngày, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty UDC cho biết phương pháp kích ống ngầm có ưu điểm so với phương pháp đào hở truyền thống, chẳng hạn như: khối lượng đất đào nhỏ nên giảm chi phí vận chuyển đất, ít ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, ít rỏi ro về sụt lún tại khu vực thi công...

Ngoài ra, nếu công trình đào ngầm thực hiện bên dưới khu vực đường bộ thì sẽ ít chiếm dụng mặt đường nên hạn chế được tình trạng kẹt xe, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân trong khu vực… Do vậy, trong khu vực nội thị, sử dụng công nghệ đào ngầm sẽ có nhiều điều lợi hơn đào hở.

Theo các chuyên gia xây dựng tham dự hội thảo thì công nghệ này rất hiệu quả đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm như: đường ống cấp, thoát nước; ống dẫn khí, dầu, gas; đường ống điện, cáp quang; tuynel kỹ thuật, đường hầm… Đặc biệt phù hợp với các công trình phải đào ngầm sâu (từ 6m trở lên), khi mà công nghệ đào hở không thể thực hiện được.

Tuy vậy, một số chuyên gia vẫn lo ngại khi áp dụng công nghệ này tại các đô thị Việt Nam sẽ có nhiều sự cố vì đến nay các đô thị lớn nhất nước như TPHCM, Hà Nội vẫn chưa có bản đồ hiện trạng công trình ngầm, chưa có quy hoạch không gian ngầm, quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế quản lý cũng chưa có…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Cao Lại Quang cho biết sắp tới Bộ Xây dựng sẽ sớm ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá phù hợp để khuyến khích các đơn vị tham gia, ứng dụng công nghệ mới này trong xây dựng các công trình ngầm.

Tùng Nguyên