TPHCM: Thành lập Thành phố Thủ Đức là sự kiện nổi bật năm 2020
(Dân trí) - Phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức nằm trong số 10 sự kiện nổi bật năm 2020 của TPHCM.
Trong ngày làm việc cuối cùng của năm - 31/12/2020, UBND TPHCM đã công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện nổi bật của thành phố trong năm 2020 trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế...
1. Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI
Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã thông qua 51 chương trình, đề án để thực hiện 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030.
2. Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM
Nghị quyết số 131/2020/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, gắn với khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM.
Thành phố Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GRDP TPHCM, khoảng 7% GDP cả nước.
Kể từ ngày 1/1/2021, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
3. TPHCM phòng, chống dịch Covid-19 thành công và ghi nhận thành tựu nổi bật của ngành y
TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước phát hiện 3 ca nhiễm nhưng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa căn cơ, bài bản để khoanh vùng, kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.
Thành phố đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn với số tiền hơn 600 tỷ đồng, xử lý gia hạn hơn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp, hơn 200 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuế đất cho các hộ kinh doanh.
4. Tiên phong chuyển đổi số, đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh
Trong năm 2020, TPHCM đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển hạ tầng số với việc triển khai thử nghiệm mạng di động 5G.
Đến nay, TPHCM đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.
5. Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành; giao thông đô thị từng bước được cải thiện
TPHCM đã đưa vào sử dụng Bến xe Miền Đông mới góp phần giải quyết kẹt xe và kết nối với các địa phương.
Khánh thành nút giao thông An Sương giải quyết tình trạng ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc; hình thành và đưa vào khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh.
6. TPHCM đẩy mạnh các hoạt động phát triển liên kết vùng, đi đầu trong triển khai mô hình "đối ngoại số"
Năm 2020, TPHCM đã tổ chức hàng loạt các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung; 5 diễn đàn, hội nghị liên kết với 41 tỉnh thành và được hơn 500 doanh nghiệp ủng hộ...
TPHCM đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với các đối tác nước ngoài và triển khai mô hình "đối ngoại số" trong bối cảnh khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội theo trạng thái "bình thường mới".
7. Lực lượng vũ trang góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn TP.
Lực lượng vũ trang TP tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng. Tổ chức nhiều đợt ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phát hiện và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, triệt phá hàng chục vụ án ma túy lớn,…
8. Khẳng định vai trò, trách nhiệm "Thành phố nghĩa tình - Vì cả nước, cùng cả nước"
Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội hơn 600 tỷ đồng của thành phố dành cho người cơ nhỡ, vô gia cư, bán vé số, lao động thất nghiệp; người dân có sáng kiến chung tay chống dịch như lắp đặt nhiều máy "ATM gạo", "ATM khẩu trang" cho người nghèo.
Người dân TP đã ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và Quỹ "Cứu trợ" TPHCM để chăm lo nhu cầu thiết thực của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chăm lo cho cuộc sống của đồng bào miền Trung đang chống chọi với bão lũ và hỗ trợ đồng bào bị hạn hán, xâm nhập mặn.
9. Người dân TPHCM chung tay xây dựng TP ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Nhiều mô hình, giải pháp tiêu biểu về bảo vệ môi trường đã được thực hiện một cách hiệu quả. 517/600 điểm đen về ô nhiễm môi trường do rác đã được chuyển hóa, trong đó 65 điểm trở thành khu sinh hoạt cộng đồng, có 98,4% phường, xã, thị trấn được công nhận là xanh, sạch.
10. Nỗ lực thực hiện thành công chủ đề năm 2020 của Thành phố "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị"
Với chủ đề "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị", lần đầu tiên thành phố đã tổ chức chương trình "Đối thoại Văn hóa" với chủ đề "Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - Thành phố văn hóa", được nhân dân và dư luận đánh giá cao.
Sau 7 năm gián đoạn, cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương - Giải thưởng Trần Hữu Trang đã trở lại với công chúng.