TPHCM: Tận dụng tối đa nguồn “tài nguyên” rác
(Dân trí) - Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TPHCM khoảng 8.700 tấn, phần lớn được chôn lấp. Giải pháp này làm lãng phí nguồn tài nguyên đất, “tài nguyên” rác, ô nhiễm môi trường… Trong khi đó, từ lâu trên thế giới đã xử lý rác bằng công nghệ đốt – phát điện.
Ngày 26/11, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện. Hội nghị thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và 40 nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 76% rác đem đi chôn lấp, 14,7% sản xuất phân compost – tái chế nhựa, còn lại là đốt không phát điện.
Việc xử lý rác bằng việc chôn lấp có nhiều hạn chế như lãng phí nguồn tài nguyên đất, “tài nguyên” rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngập, đất và không khí…
Với điều kiện đất đai ngày càng hạn hẹp, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ chất thải sinh hoạt được chôn lấp tối đa là 50% và đến năm 2025 tối đa là 20%.
Tại hội nghị, các nhà khoa học và các nhà đầu tư đã giới thiệu các công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện, đặc biệt là công nghệ chuyển đổi xử lý rác hiện hữu sang công nghệ đốt…
Những công nghệ này sẽ được TPHCM xem xét, tổ chức đấu thầu công khai, minh bạc, để chọn lựa các dự án xử lý chất thải rắn phù hợp.
Để thu hút nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt, TPHCM cam kết sẽ ưu đãi một số chính sách về đất đai, hỗ trợ giá mua bán điện, lãi vay, đặc biệt miễn thuế nhập khẩu. Đồng thời thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện như các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Tại đây, ông Phạm Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị TPHCM phải cởi mở, không hạn chế công nghệ nước ngoài.
Theo ông Đông, sau khi đấu thầu, nếu nhà đầu tư tự tin công nghệ của mình đã quảng bá thì chạy thử 3-6 tháng, cơ quan chức năng vào đo đạc, kiểm tra, sau đó mới ký hợp đồng dài hạn.
“Nếu không được thì để công nghệ khác vào. Không để tình trạng ký hợp đồng xử lý rác 30-50 năm rồi ôm để đấy”, Thứ trưởng Đông nói.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng người dân thành phố luôn lo lắng vấn đề xử lý rác và thành phố cần thay đổi công nghệ xử lý rác, với mục tiêu đến năm 2025 là 80% rác không chôn lấp.
Theo Bí thư Nhân, trong điều kiện ngân sách hạn chế thì TPHCM kêu gọi đầu tư xã hội hóa, tiền ngân sách sẽ dùng để trả tiền dịch vụ xử lý rác.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế thì chính quyền thành phố đẩy mạnh giải pháp xử lý rác thải, bảo vệ môi trường thành phố.
TPHCM sẵn sàng đón nhận các giải pháp, công nghệ phù hợp với đặc thù thành phố. TP chuẩn bị thủ tục kêu gọi đầu tư, tiêu chuẩn xét chọn, chính sách ưu đãi, hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục…
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động trên địa bàn thành phố cần nâng cấp, cải tiến công nghệ.
Quốc Anh