1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM sẽ xây dựng tuyến xe buýt nhanh đầu tiên vào năm 2014

(Dân trí) - Ngày 25/9, tại hội thảo “Giới thiệu dự án phát triển giao thông xanh TPHCM”, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (BQL GTĐT) cho biết, dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên sẽ được khởi công vào năm 2014.

Cụ thể, tuyến BRT này sẽ bắt đầu từ bến xe miền Tây mới (huyện Bình Chánh), dọc theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và đến điểm cuối là Ngã 3 Cát Lái (quận 2). Tuyến BRT này dài khoảng 29km gồm các hạng mục như depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến…

Tuyến BRT đầu tiên sẽ chạy trên đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ
Tuyến BRT đầu tiên sẽ chạy trên đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ

Với tiêu chí xanh, tuyến xe buýt này sẽ được khai thác bằng 30 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG). Dự kiến trên mái che nhà chờ của tuyến xe buýt này sẽ được trồng các loại cây xanh nhiệt đới để tạo bóng mát cho hành khách, ban đêm nhà chờ sẽ sử dụng điện mặt trời và gió dự trữ từ ban ngày để chiếu sáng. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 156 triệu USD, dự kiến khởi công vào năm 2014 và hoàn thành vào năm 2018.

Theo ông Phúc, UBND TP đã giao cho BQL GTĐT làm chủ đầu tư Dự án phát triển giao thông xanh nhằm xây dựng tuyến BRT đầu tiên này. Trên cơ sở kinh nghiệp xây dựng tuyến BRT số 1 sẽ  tiếp tục phát triển các tuyến còn lại trong số 6 tuyến BRT theo quy hoạch giao thông của TP.

Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, TP sẽ phát triển 6 tuyến BRT sau: Tuyến 1 theo Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; Tuyến 2 từ đường Nguyễn Văn Linh đến Bến xe Miền Tây - cầu Phú Mỹ; Tuyến 3 theo đường Vành đai 2, từ ngã tư An Sương đến Bến xe Miền Tây mới; Tuyến 4 theo đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Kha Vạn Cân đến công viên Chiến Thắng; Tuyến 5 từ đường Thoại Ngọc Hầu - ngã tư Bốn xã - Vành đai trong- Nguyễn Văn Linh; Tuyến 6 chạy theo đường Quang Trung.

Ngoài ra, UBND TP cũng đã chấp thuận cho BQL GTĐT áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn lập dự án để kịp triển khai dự án “Phát triển giao thông xanh” bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB).

BRT là hình thức xe buýt sử dụng xe khách loại lớn (80 chỗ) chạy trên các làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo không ùn tắc, tuân thủ đúng thời gian hành trình và chở được số lượng hành khách lớn. Tuyến BRT đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Brazil vào năm 1974, đến nay đã có 147 thành phố trên toàn thế giới áp dụng mô hình vận tải này với tổng chiều dài quãng đường khai thác là gần 3.800 km.

Theo thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) thì BRT là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn rẻ tiền nhất, là giải pháp khả thi nhất để giải quyết vấn nạn ùn tắc tại TPHCM. Nó không chỉ vận chuyển được khối lượng lớn, đúng giờ, tốc độ nhanh mà chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác như xe điện một ray, metro.

Tùng Nguyên