1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Sẽ còn phải hứng chịu 8 đợt triều cường nữa

"Theo dự báo, TPHCM sẽ còn phải hứng chịu khoảng 8 đợt triều cường nữa. Đỉnh triều sẽ thấp hơn 1,48m nếu không kết hợp với gió, mưa…" - Ông Phạm Việt Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục PCLB TPHCM cho biết.

Triều cường đang diễn tiến ngày càng phức tạp. Nếu như từ 1960 -1993, triều cường chủ yếu chỉ đạt mức xấp xỉ 1,2m thì từ năm 1994 đến nay thường lên tới trên 1,4m.

Thưa ông, vì sao điệp khúc “vỡ bờ bao”, ngập úng sau mỗi đợt triều cường diễn ra lại cứ lặp đi lặp lại suốt từ năm này đến năm khác? Phải chăng hiện nay các cơ quan chức năng đã “bó tay”?

Bó tay thì không nhưng quả thực hiện nay, bờ bao ngăn triều ven các kênh rạch hầu hết đều là bờ bao dân sinh, rất mỏng manh, được người dân đắp bằng đất nên mỗi khi mực nước trên các sông, rạch dâng cao là rất dễ vỡ, tràn ngọn mà chúng ta ứng phó không xuể vì chỗ nào cũng yếu cũng có nguy cơ.

Do chu vi bờ bao quá dài, việc xây dựng các tuyến đê bao quy mô, chắc chắn để thay thế sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, việc này phải tuân thủ quy hoạch phát triển của xã hội. Việc xây dựng đê bao để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ngoài mục đích trị thủy còn phục vụ giao thông, hạ tầng…

Nói vậy nghĩa là công tác trị thủy hiện nay đang làm rất tốt? Và, tình trạng ngập úng gây thiệt hại và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là do các yếu tố khách quan?

Vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như ở phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), bờ bao bị tràn và vỡ liên tiếp do một số dự án, chủ đầu tư đã được giao đất nhưng không triển khai hoặc triển khai rất chậm. Có đơn vị thậm chí còn chuyển nhượng dự án.

Một thực trạng nữa là có một số đại gia, người có thế lực mua những khu đất rộng giáp kênh rạch, sau đó bỏ trống, không tu bổ, gia cố bờ bao. Những trường hợp này Nhà nước không thể bỏ toàn bộ chi phí để làm thay nhưng ngặt nỗi nếu vỡ đoạn bờ bao trên đất họ, cả khu phố hay thậm chí nhiều khu phố sẽ bị ngập.

Tại một số hội nghị, tôi đã phản ánh tình trạng tích nước không hợp lý của một số nhà máy thủy điện (Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn…). Các nhà máy này sợ không đủ nước để phát điện trong mùa khô nên tích nước đến cao trình mực nước bình thường hơi sớm.

Đến khi xảy ra lũ trên thượng nguồn các sông, lưu lượng nước về hồ chứa lớn hơn so với lượng nước chạy máy, các nhà máy này đã xả xuống hạ lưu khiến mực nước triều các sông rạch dâng cao hơn.

Tại sao nhiều tuyến đường, khu dân cư mới xây dựng một vài năm đã bị ngập trắng mỗi khi triều cường dâng cao?

Đây là một thực trạng khá nhức nhối của thành phố. Đường giao thông giữa khu dân cư Thảo Điền (quận 2), đường Nguyễn Hữu Cảnh mới sử dụng chưa lâu đã bị ngập trắng nhiều đoạn. Đường vào khu Bàn Hòn (khu phố 5, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) thậm chí bị nước sông tràn qua gây ngập khu dân cư.

Sự cố này lỗi hoàn toàn thuộc về các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, thi công đã không tuân thủ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tiêu thoát nước của TPHCM (quy định cao trình cốt nền là 2m), lấy cốt nền thấp hơn so với đỉnh triều cường nên bị ngập.

Một thực trạng nữa là nhiều dự án, công trình trước đây khi thiết kế đã lấy cao độ Mũi Nai làm chuẩn để tính cao độ cốt nền. Điều này không phù hợp vì quy định của Chính phủ là phải lấy Hòn Dáu (Hải Phòng) làm chuẩn.

Từ nay đến cuối năm có khả năng xuất hiện bao nhiêu đợt triều cường lớn nữa và tình trạng liệu có đáng ngại?

Triều cường lớn xuất hiện theo chu kỳ từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, mỗi tháng 2 đợt, đỉnh triều cao nhất thường rơi vào các ngày 2, 17 (AL). Như vậy, còn khoảng 8 đợt triều cường nữa. Theo dự báo đỉnh triều sẽ thấp hơn 1,48 m nếu như thủy triều không kết hợp với gió, mưa…

Xin cám ơn ông.

Theo Huy Thịnh
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm