1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

TPHCM sắp cho quảng cáo trên xe buýt

(Dân trí) - Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết Sở đang gấp rút hoàn thành đề án quảng cáo trên xe buýt. Cuối tháng 3, đề án này sẽ được Ban giám đốc Sở xem xét thông qua để kịp trình UBND TP phê duyệt trong quý II/2014.

Đề án “treo” hơn 5 năm

Với mục tiêu phát triển hệ thống vận tải công cộng trên toàn TP, từ năm 2003, TPHCM đầu tư xây dựng cả trăm tuyến xe buýt với khoảng 3.000 xe, phục vụ hàng trăm triệu lượt hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, ngoài số tiền đầu tư xây dựng hệ thống ban đầu, mỗi năm ngân sách TP phải tiêu tốn hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho hệ thống này hoạt động.

Để giảm thiểu chi phí trợ giá, từ năm 2008, Sở GTVT TPHCM đề nghị UBND TP cho phép ngành giao thông khai thác quảng cáo thương mại trên hệ thống xe buýt của TP. Theo tính toán của Sở GTVT vào thời điểm đó thì với khoảng 3.000 xe buýt sẽ mang về cho ngân sách chừng 100 tỷ đồng/năm tiền quảng cáo, giúp giảm trợ giá từ ngân sách khoảng 50 tỷ đồng (sau khi trừ các chi phí khai thác quảng cáo, chia sẻ lợi nhuận…).

Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận và TP yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu kỹ hơn. Đến tháng 6/2009, UBND TP ra quyết định 39/2009/QĐ-UBND, ban hành quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP, cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải… Quy định này chấm dứt hẳn hy vọng đưa đề án quảng cáo trên xe buýt vào thực tế.

TPHCM sắp cho quảng cáo trên xe buýt
Đề xuất từ năm 2008 nhưng đến đầu năm 2014, đề án quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM vẫn chưa được thực hiện

Trong khi đề án nhằm tăng thu cho hoạt động xe buýt bị "nâng lên đặt xuống" nhiều lần, ngân sách TP phải chịu đựng khoản trợ giá cho xe buýt hoạt động ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2008 mới trợ giá hơn 570 tỷ đồng, năm 2009 gần 700 tỷ đồng, năm 2010 lên hơn 730 tỷ đồng, năm 2011 đã gần 1.270 tỷ đồng, năm 2012 vượt mốc 1.400 tỷ đồng, năm 2013 cũng gần 1.400 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, năm 2011, TP chấp thuận cho Sở GTVT nghiên cứu lại việc quảng cáo trên xe buýt. Đến năm 2012, TP tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định lại đề án này để trình UBND TP thông qua. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, đề án vẫn chưa hoàn thành.

Sẽ sớm áp dụng

Theo ông Dương Hồng Thanh, UBND TP đã giao cho Sở GTVT soạn thảo đề án quảng cáo trên xe buýt. Hiện đề án đã hoàn chỉnh, chỉ chờ trình Đảng ủy và Ban giám đốc Sở họp thông qua trong cuối tháng 3. Sau khi Sở chốt lại đề án sẽ trình lên UBND TP xem xét và phê duyệt, sớm đưa đề án vào áp dụng thực tế trong quý II/2014.

Nói về đề án này, ông Thanh cho biết Sở đã có những phương án khai thác chi tiết khác với đề án lập ra từ năm 2008. Quảng cáo trên xe buýt không chỉ đơn thuần là sơn vẽ trên thành xe buýt mà còn xác định cơ chế đấu thầu khai thác, kêu gọi nhà đầu tư, phân chia nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt…

Ông Dương Hồng Thanh cho biết: “Trên cơ bản thì nguồn thu từ hoạt động khai thác quảng cáo trên xe buýt sẽ dùng để bù vào tiền trợ giá hoạt động xe buýt. Các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt có thể thu số tiền này như là khoản ứng trước của ngân sách thành phố cho chi phí trợ giá xe buýt, hết năm sẽ tính toán lại để trừ ra”.

Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), người tiên phong xây dựng đề án này, cho đây là hình thức mà hầu hết các nước có hệ thống xe buýt đều áp dụng. Theo ông thì ở các nước khác, nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt đã giúp họ giảm đáng kể giá vé xe buýt. Nếu áp dụng ở TPHCM, nó sẽ giúp thành phố giảm khá nhiều chi phí trợ giá từ ngân sách cho hoạt động xe buýt.

Không đâu xa, ngay các tỉnh lân cận TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng đều cho phép kinh doanh loại hình quảng cáo này từ lâu. Thậm chí, nhiều tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn TPHCM nhưng có bến đầu ở các tỉnh lân cận cũng đã áp dụng hình thức quảng cáo này từ 5 năm nay.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm