1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM quy định diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú

(Dân trí) - Diện tích ở bình quân để được đăng ký thường trú tại TPHCM được quy định tại khu vực 19 quận nội thành là 16m2/người và 5 huyện ngoại thành là 8m2/người.

Liên cơ quan Sở Xây dựng và Công an TPHCM vừa có tờ trình về việc đề xuất điều chỉnh tăng diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Theo đề xuất thì quy định diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú tại TPHCM sẽ phân thành 2 khu vực cụ thể như sau: Khu vực 1: 19 quận nội thành (gồm: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức) là 16m2 sàn/người. Khu vực 2: 5 huyện ngoại thành (gồm: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè) là 8m2 sàn/người.

Việc quy định diện tích ở bình quân/người không áp dụng cho các trường hợp có mối quan hệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. 

Hiện nhiều công nhân trên địa bàn TPHCM phải lưu trú trong những nhà trọ chật chội (Ảnh minh họa)

Hiện nhiều công nhân trên địa bàn TPHCM phải lưu trú trong những nhà trọ chật chội (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Sở Xây dựng và Công an TPHCM, trong giai đoạn mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, số lượng người dân cư trú từ các tỉnh, thành phố khác vào TPHCM ngày một tăng. TPHCM có diện tích khoảng gần 2.100 km2 nhưng đến nay dân số có khoảng gần 10 triệu người.

Với số lượng dân số nhiều, phương tiện đi lại nhiều, sẽ gây áp lực lớn cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, như: ùn tắc giao thông, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu các công trình công cộng, ô nhiễm môi trường, tăng giá bất động sản, …

Trong thời gian qua, có nhiều trường hợp lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, như: cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở (trong đó có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân), nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định.

Hơn nữa, mật độ dân số tại các quận, huyện không đồng đều, chưa hợp lý. Tại địa bàn các quận có diện tích nhỏ nhưng có số lượng dân cư rất đông, mật độ dân số trung bình là 13.207 người/km2. Trong khi đó, tại các huyện có diện tích lớn nhưng có số lượng dân cư rất ít, mật độ dân số trung bình là 977 người/km2. Việc mất cân đối về mật độ dân số cũng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đô thị của thành phố.

Theo Công an TPHCM, việc quy định diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú sẽ khắc phục được tình trạng nhập hộ khẩu nhờ, nhập hộ khẩu danh nghĩa, đồng thời đáp ứng được vấn đề nhập cư, giãn dân và tạo môi trường sống cho người dân tại địa bàn được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

Mức đề xuất diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú tại TPHCM không cao hơn quy định của các thành phố trực thuộc Trung ương khác như Đà Nẵng 15-20m2 sàn/người, Cần Thơ 15-18-20m2 sàn/người và gần tương đương với thành phố Hà Nội 15m2 sàn/người.

Việc quy định diện tích ở bình quân/người không áp dụng cho các trường hợp có mối quan hệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú như sau:

“2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột”.

Công Quang