1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Quản chặt kênh rạch

(Dân trí) - Sau 20 năm phát triển đô thị với tốc độ chóng mặt, hệ thống bờ sông, kênh rạch của TPHCM bị dân di cư lấn chiếm trầm trọng. Nay để chỉnh trang mỗi dòng kênh, TP phải chi những khoản trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

TPHCM: Quản chặt kênh rạch  - 1

Để chỉnh trang hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm hiện nay, TP phải tốn hàng chục ngàn tỷ đồng.

 

Khó có thể thống kê hết số nhà lấn chiếm bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP suốt 20 năm buông lỏng quản lý vừa qua. Nhưng chỉ cần so sánh hệ thống kênh rạch hiện nay với “thành phố sông nước” mà các sách địa chí mô tả về Sài Gòn trước giải phóng thì có thể mường tượng con số nhà lấn chiếm lớn đến bậc nào.

 

Theo thống kê của TP thì chỉ trên hơn 1.000 km sông, kênh rạch chính đã có mấy chục ngàn hộ dân lấn chiếm. Đơn cử như kênh Đôi - kênh Tẻ có đến gần 5.000 hộ, rạch Tân Hóa - Lò Gốm có hơn 4.000 hộ…

 

Chỉ để chỉnh trang dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và xây dựng hai con đường nhỏ ven kênh cách đây 10 năm, TPHCM đã phải tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể hệ thống chi lưu của con kênh này vẫn còn hàng ngàn hộ chưa giải tỏa. Hiện quận 8 cũng đang xúc tiến giải tỏa 1.100 hộ dân lấn chiếm rạch Ụ Cây, dự kiến số tiền để di dời dân cũng hơn 400 tỷ đồng.

 

Còn hàng chục dự án chỉnh trang kênh rạch khác như Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật… vẫn nằm trên mặt giấy vì TP chưa biết kiếm đâu ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư. Những con kênh, rạch nhỏ vô danh chiếm số lượng lớn nhất thì hầu như không một văn bản nào đề cập đến.

 

Ngay như Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi để chống ngập cho khu vực TPHCM của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu triển khai cũng cho thấy: chi phí lớn nhất là giải tỏa nhà dân nằm trong ranh giới an toàn bảo vệ sông, kênh rạch.

 

Do đó, để tình trạng trên không còn tiếp diễn, UBND TPHCM vừa ban hành chỉ thị quản lý chặt hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn. Theo đó, TP chỉ thị các ban ngành chức năng phối hợp cùng các UBND quận - huyện tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hệ thống sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng. Nếu phát hiện thì xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay.

 

Nhà đất nằm trên diện tích san lấp, lấn chiếm trái phép sẽ không được cấp phép xây dựng, không hợp thức hóa nhà và xác lập quyền sử dụng đất. Các hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất ven sông, suối, kênh, rạch, hồ trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ cũng sẽ không được Công an thành phố giải quyết cấp hộ khẩu.

 

Thanh tra Xây dựng các cấp phải xử phạt kiên quyết các trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trong hành lang sông, kênh, rạch.

 

Các cơ quan chức năng khi lập thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng phần đất có tiếp giáp sông, kênh, rạch cho các tổ chức, cá nhân sử dụng, phải hỏi ý kiến của Sở Giao thông vận tải hoặc Sở NN&PTNT về ranh mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch…

 

Tùng Nguyên