TPHCM: Người phát ngôn của sở, ngành cho số điện thoại rồi "bặt vô âm tín"
(Dân trí) - Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, có trường hợp người phát ngôn một số sở ngành cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, nhưng khi có việc, cần liên lạc thì lại không nghe máy, không trả lời...
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa có báo cáo về công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn thành phố năm 2019.
Theo báo cáo, phần lớn các cơ quan hành chính nhà nước tại thành phố đã cung cấp danh sách người phát ngôn cho Sở TT&TT TP và công bố họ tên, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ email của người phát ngôn trên website cơ quan mình để báo chí tiện liên hệ khai thác thông tin. Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan cũng đã thực hiện ủy quyền phát ngôn trong các trường hợp cụ thể.
Hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khá đa dạng như: tổ chức họp báo định kỳ hàng quý; họp báo tại các hội nghị, các buổi họp sơ kết hàng tháng, hàng quý về tình hình thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan; thông tin định kỳ hàng tháng trên website; cung cấp thông tin cho cổng thông tin điện tử của TP; cung cấp thông tin đột xuất.
Theo Sở TT&TT TP, việc phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời đã giúp cho báo chí có thông tin chính thống, tránh trường hợp thiếu thông tin dẫn đến đưa tin thiếu chính xác.
Bên cạnh kết quả đạt được thì tính chuyên nghiệp của người phát ngôn còn nhiều hạn chế: ít am hiểu lĩnh vực báo chí, ngại tiếp xúc báo chí, lúng túng, thậm chí né tránh cung cấp tin hoặc cung cấp rất hình thức.
"Có những trường hợp người phát ngôn đã cung cấp số điện thoại di động, điện thoại bàn và địa chỉ email nhưng khi có vấn đề cần liên lạc thì không được (không nghe máy, không trả lời) gây khó khăn cho các cơ quan báo chí", Sở TT&TT TP nêu rõ.
Những hạn chế trên, theo Sở TT&TT TP, do người phụ trách công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí thường xuyên luân chuyển. Trong khi đó, người mới về lại chưa có kỹ năng, khi tổ chức tập huấn lại cử người khác đi thay.
Bên cạnh đó, một số cơ quan hành chính Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí dẫn đến tình trạng e ngại tiếp xúc, đùn đẩy, né tránh; chưa có chuyên viên tham mưu cho việc phát ngôn và cung cấp thông tin.
Về báo chí, tại báo cáo này, Sở TT&TT TP cho biết: một số cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương khác có văn phòng đại diện tại TPHCM có dấu hiệu buông lỏng quản lý phóng viên, cộng tác viên, cấp giấy giới thiệu với nội dung làm việc không phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo, để phóng viên làm khó cơ quan, doanh nghiệp.
Một số phóng viên, cộng tác viên còn lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí đưa thông tin chưa chính xác, khi tác nghiệp có thái độ chưa thật sự tôn trọng người phát ngôn.
Sở TT&TT TP đã đề nghị các cơ quan hành chính Nhà nước của TP báo cáo kết quả thực hiện công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2019.
Tuy nhiên, đến nay, có 14 cơ quan chưa gửi báo cáo gồm: quận 8, quận Tân Bình, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước TP, Cục thuế TP, Cục Hải quan TP, Thanh tra TP.
Quốc Anh