1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM "ngập" trong triều cường lịch sử

Nhiều đê bao liên tiếp vỡ, nhà nhà chạy lũ, gần như một nửa thành phố bị ngập trong "biển nước" khi đỉnh triều cường tại TPHCM chiều 27/10 chạm ngấn 1,5 m, mức lịch sử trong vòng 48 năm qua.

>> Triều cường làm vỡ bờ bao, TPHCM ngập nặng

Ghi nhận của PV tại quận Bình Thạnh 18h ngày 27/10, hầu hết nhà ở ven rạch Văn Thánh đều chìm trong nước. Nhiều nhà phải di dời đồ dùng, kê kích lên cao hơn nếu không muốn bị hư hại.

Nước ập vào hầu hết tầng 1 của các nhà ở bán đảo Thanh Đa, nhiều nơi nước trong nhà dâng lên hơn 30 cm. Vùng sát ven sông, và cả chợ Thanh Đa bị ngập trắng, con đường phút chốc biến thành sông.

Hơn 150 m trên đoạn đường Ngô Tất Tố, nước dâng cao lên đến hơn 40 cm khiến hàng loạt xe chết máy. Đường Nguyễn Hữu Cảnh gần như "bế quan tỏa cảng", xe cộ không thể lưu thông.

Các hộ dân ở phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; phường An Phú Đông, quận 12; các xã huyện Hóc Môn giáp ranh quận 12... cũng phải chạy lũ. Nước vào nhà ngập đến sát mép cửa sổ; nhiều vườn mai ở quận 12 và Hóc Môn tiêu điều.

Theo Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TPHCM, nhiều tuyến đê bao quận huyện nội thành đã bị vỡ trong cơn hồng thủy tối 27/10 gây ngập trên diện rộng thành phố, đặc biệt ở các quận ngoại thành phía Đông Bắc và Tây Bắc thành phố. Trong đó vỡ các tuyến bờ bao xung yếu tại các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú, Linh Đông, quận Thủ Đức. Các tuyến đê ở phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân thuộc quận 12; phường 28, quận Bình Thạnh... cũng bị sức mạnh của cơn thủy triều xói thủng.

Đến 20h ngày 27/10, vẫn chưa thống kê được bao nhiêu mét đê bao bị vỡ, ngoài tin báo khu vực đê bị sự cố.  

Ngay trong ngày, UBND TPHCM đã thông báo tình hình triều cường mức cao đến các địa phương có nguy cơ ngập, vỡ đê; đồng thời lệnh báo động cho dân chuẩn bị đối phó, di dời. UBND các phường, xã cũng được lệnh tăng cường gia cố đê bao, tổ chức trực chiến trong thời điểm triều lên để kịp thời giám sát tình trạng đê bao.

Cơn triều cường sáng sớm ngày 26/10 cũng đã khiến cho tuyến đê bao Hiệp Bình Phước của Thủ Đức và An Phú Đông, quận 12, vỡ gây ngập nước khu dân cư gần một mét. Suốt ngày 27/10, toàn bộ đàn ông trong khu vực đã được kêu gọi tham gia khắc phục đê. Đến 16h chiều, đê được hàn gắn lại, song lại phải hứng đợt triều mạnh tiếp theo. Nhiều đoạn đê khác cũng được gia cố, nhưng theo tin từ UBND phường An Phú Đông, ít nhất 2 đoạn lại bị vỡ tiếp trong cơn triều tối cùng ngày.

Trong khi đó, không ít người dân thành phố hoảng sợ trước cơn lũ thực sự tại TPHCM hai ngày qua. Tại phường An Phú Đông, trưa 27/10, nhiều người dân vẫn còn thảng thốt trước sức tấn công của đợt triều cường buổi sáng. Theo lời kể của người dân, "lũ" bắt đầu liếm lên mặt đường từ hơn 5h sáng. Bốn tiếng đồng hồ sau, con đường làng ở tổ 45, 46, 47 thuộc khu phố 3, phường An Phú Đông, không thể đi được nữa do nước ngập lên tới quá thắt lưng, thậm chí nước chảy rất mạnh xô nhiều người đi đường té ngã.

Bà Lê Thị Mỹ Châu, người dân ở đây, cho biết, từ 3h sáng nước đã dâng lên trong vườn, 5h bò vào từng nhà hộ dân và đến sáng, mọi thứ trong nhà chìm trong biển nước. Bà Châu đã thức trắng đêm canh những chậu mai để có thể cứu được cây nào thì cứu.

Bà Trần Thị Chuẩn, 60 tuổi, kể lại, sáng 27/10 nước ngập ở ngoài đường hơn một mét, còn trong nhà nước lên hơn 50 cm. "Ba mẹ con tôi chạy trối chết mới khiêng hết tủ lạnh, TV lên trên gác được", bà lắc đầu thở dốc.

4 đoạn đê tại An Phú Đông đã bị vỡ trong cơn triều buổi sáng. Đến chiều, bên ngoài cầu Ba Đương khoảng 200 m, những chiếc cần cẩu đang hàn tiếp những con đê bị thương. Phường An Phú Đông có nhiều hộ dân sống bằng nghề trồng mai kiểng. Triều cường gây ngập sâu khiến các vườn mai chìm trong nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Anh Trần Văn Út, phường Hiệp Bình Phước - Thủ Đức nhà cách con đê bị vỡ sáng 27/10 chừng hơn 500 m, kể lại: "Đang ngủ, khoảng 5h15 tôi nghe tiếng ầm ầm rất dữ dội, có người la lên vỡ đê. Hốt hoảng tôi vội chạy thật nhanh để cúp cầu dao, trời tối thui vì còn sớm".

Chỉ trong vòng 5 phút sau tiếng la vỡ đê, nước đã ập vào nhà của anh Út rồi nhanh chóng dâng lên đến ngực người. Ba đứa con của anh Út đang còn nằm ngủ dưới đất, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Không kịp nghĩ ngợi, anh hô vợ ôm choàng lấy con mở cửa thoát ra ngoài.

Theo anh Lê Thanh Phong, người dân khu phố 5, hai năm trước cũng tại đây, một bà cụ 75 tuổi đã bị chết vì bị tủ đè khi đê vỡ. Nước tràn vào nhà quá bất ngờ khiến cái tủ bị hổng chân, đổ đè lên bà cụ. Lúc đó không ai ở nhà ngoài cụ già.

Đoạn đê bao quanh khu phố 5 thuộc xã Hiệp Bình Phước này có nhiệm vụ che chắn giữa sông Sài Gòn với vùng dân cư. Độ sâu khu vực sông khoảng 3 mét. Do đó khi đê vỡ, nước sông lập tức ập vào đất bờ gây ngập nhanh và sâu lập tức. Sáng 27/10, hơn 8 m của đoạn đê này bị vỡ, đến chiều đã được gia cố bằng cừ tràm và bao cát.

Theo Kiên Cường - Trần Quang
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm