1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM lập đề án thí điểm chia sẻ xe đạp công cộng ở khu trung tâm

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với đơn vị đề xuất hoàn thiện đề án thí điểm mô hình xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm thành phố. Thời hạn trình đề án là vào giữa tháng 1/2018.

Ngày 22/12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp, lắng nghe một tập đoàn nước ngoài giới thiệu về phương án đầu tư xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đơn vị nước ngoài giới thiệu một mô hình mà theo họ là kế hoạch chia sẻ xe đạp thông minh và lớn nhất trên thế giới. Mô hình này có lợi thế là vốn đầu tư thấp, dễ dàng mở rộng và kiểm soát thông qua internet. Đồng thời, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, gia tăng lượng người sử dụng phương tiện công cộng và giảm ô nhiễm môi trường.

Xe đạp công cộng ở Trung Quốc (ảnh P.N)
Xe đạp công cộng ở Trung Quốc (ảnh P.N)

Để sử dụng xe đạp công cộng, người dùng sử dụng điện thoại thông minh tải một ứng dụng phần mềm, sau đó tìm xe thông qua bản đồ số và mở khóa bằng mã QR.

Người dùng có thể lái xe đạp ở bất cứ đâu trên địa bàn thành phố và trả xe ở bất cứ nơi nào được quy định, để sẵn sàng cho người sử dụng kế tiếp. Xe đạp được chia sẻ giữa người dùng nên chỉ cần số lượng nhất định, không cần số lượng xe quá nhiều.

Đại diện tập đoàn cho biết, mô hình này đã được phát triển ở 200 thành phố và nhiều nơi lượng người sử dụng xe đạp công cộng rất cao. Theo thống kê, thành phố Thành Đô (Trung Quốc) có 8 triệu dân, hàng ngày có tới 3 triệu lượt người sử dụng xe đạp công cộng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá giải pháp sử dụng xe đạp như phương tiện công cộng khá phù hợp với giao thông thành phố. Ông cho rằng, xe đạp công cộng không chỉ khuyến khích người dân di chuyển mà còn rèn luyện sức khỏe.

“Xe đạp chia sẻ có tính hấp dẫn và thuận tiện. Nếu mô hình này phát triển thì sẽ giúp thành phố hạn chế xe cá nhân vào trung tâm, đặc biệt là giờ cao điểm. Xe công cộng chuyên chở người đông thì đưa người dân ngoại thành vào ranh trung tâm thành phố, họ cần có phương tiện di chuyển đến mục tiêu và có thể sử dụng xe đạp”, ông Tuyến chia sẻ.

Cũng theo ông Tuyến, việc quản lý xe theo công nghệ cũng phù hợp với người dân thành phố, bởi hiện nay hầu hết người dân thành phố đi làm đều sử dụng điện thoại thông minh.

Sử dụng phần mềm ứng dụng để quét mã QR mở khóa xe (ảnh P.N)
Sử dụng phần mềm ứng dụng để quét mã QR mở khóa xe (ảnh P.N)

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng lưu ý rằng, giao thông thành phố phức tạp. Do đó, khi triển khai phải chú trọng đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cần nghiên cứu những có tuyến đường phù hợp với xe đạp, cơ chế cho sử dụng vỉa hè lưu thông xe đạp mới có hiệu quả.

“Giao thông thanh phố phức tạp, nếu không có hành lang pháp lý chặt chẽ thì sẽ rất khó khăn khi sử dụng xe đạp công cộng”, ông Tuyến lưu ý.

Một vấn đề khác mà lãnh đạo thành phố lo ngại là cơ chế quản lý đảm bảo tránh xe bị mất cắp, hủy hoại. Ngoài ra, cần chú ý đến độ tuổi người sử dụng xe đạp công cộng để đảm bảo sức khỏe, tránh rủi ro.

“Nếu được thực hiện tại thành phố thì phải công ty phải ký kinh doanh rõ ràng, vấn đề thu phí dịch vụ cũng thực hiện theo đúng pháp luật Việt Nam”, ông Tuyến nói.

Tại cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Giao thông vận tải TP bàn bạc kỹ với đơn vị đề xuất để trình lãnh đạo thành phố đề án thí điểm xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm thành phố, trong đó lưu ý vấn đề thu phí dịch vụ, số lượng xe, phương án bảo vệ an toàn cho người sử dụng. Sở GTVT TP trình đề án vào giữa tháng 1/2018 để thành phố xác định chủ trương cụ thể.

Quốc Anh