1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Kinh hoàng nước thải y tế

Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố, cho đến thời điểm hiện nay, tổng lượng nước thải y tế trên địa bàn thành phố đã đạt 17.000 m3/ngày. Phần lớn trong số đó vẫn được vô tư xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý.

Vượt chuẩn cho phép... 1.000 lần!

 

Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) thành phố, cho đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 109 bệnh viện, trung tâm y tế... mới chỉ có 79 cơ sở có trang bị hệ thống xử lý nước thải. Con số các bệnh viện, trung tâm y tế có trang bị hệ thống nước thải y tế vốn đã quá khiêm tốn về số lượng, nhưng về chất lượng cũng thuộc dạng… ì ạch.

 

Trong đó, phần lớn đã xuống cấp, thậm chí không còn hoạt động được. Kết quả kiểm tra thực tế tại các bệnh viện cho thấy rõ, những cơ sở đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng có cũng gần như không.

 

Trong đó, có đến 19 hệ thống xử lý nước thải xử lý không đạt tiêu chuẩn cho phép, cần phải xây dựng mới hoàn toàn; 27 hệ thống cần phải nâng cấp công suất thiết kế để đáp ứng nhu cầu mở rộng khám - chữa bệnh; 14 trường hợp cần phải sửa chữa, cải tạo...

 

Trong khi hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở y tế chưa được đầu tư đúng mức thì lượng nước thải liên tục gia tăng, cho đến thời điểm hiện nay đã đạt 17.000 m3/ngày. Chỉ có khoảng 3.000 m3 trong số đó được xử lý đạt chuẩn.

 

Kết quả phân tích các mẫu nước thải y tế chưa qua xử lý cho ra những con số làm cho những người quan tâm phải... rùng mình. Hàm lượng vi sinh vượt chuẩn cho phép ít nhất là 100 lần, thậm chí có mẫu vượt chuẩn cho phép lên đến... 1.000 lần.

 

Xử lý nhẹ tay

 

Mặc dù những nguy hại của nước thải y tế là khôn lường, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa dám mạnh tay đối với những cơ sở y tế vi phạm. Cho đến thời điểm hiện nay, vụ xử lý mạnh tay nhất của Sở TNMT là trường hợp của khoa Phụ sản - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

 

Hình thức xử lý là buộc phải ngừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Sở TNMT đã yêu cầu cơ sở này, thời hạn cuối là 31/12/2005 phải sửa chữa, nâng công suất hệ thống xử lý nước thải.

 

Sau 2 lần phúc tra vào tháng 4 và 9/2006, hệ thống nước thải vẫn không được sửa chữa, nâng cấp. Cuối cùng, ngày 6/10/2006, Sở TNMT mới có văn bản yêu cầu khoa Phụ sản - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM ngừng hoạt động kể từ ngày 15/10/2006.

 

Thế nhưng, trên thực tế đơn vị này đã không hề ngừng hoạt động, mà cơ sở này xin gia hạn và cam kết trong quý IV năm 2006 sẽ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Ngoài khoa Phụ sản - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, còn có 15 trường hợp khác chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.

 

Theo Ngọc Huân

Lao Động