1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM “khát” vốn phát triển hạ tầng giao thông

(Dân trí) - Từ 2016-2020, TPHCM cần huy động hơn 323.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án, mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên đã qua nửa chặng đường mà thành phố mới huy động được khoảng 12% vốn. Trong khi vốn ngân sách còn hạn chế thì việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Chiều 17/5, UBND TPHCM tổ chức họp sơ kết 2,5 năm về thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020. Đây là một trong bảy chương trình đột phá của Đảng bộ TPHCM khoá X.

TPHCM cần hơn 284.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2018-2020
TPHCM cần hơn 284.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2018-2020

Theo Sở Giao thông vận tải TP, tổng số 172 dự án ưu tiên tập trung với nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này là hơn 323.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố là 46.500 tỷ đồng (120 dự án); vốn ODA là 73.233 tỷ đồng (6 dự án), nguồn vốn theo hình thức hợp tác công tư là 126.000 tỷ đồng (40 dự án); nguồn vốn Trung ương là 78.200 tỷ đồng (6 dự án).

Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2018, nguồn vốn cho phát triển cở sở hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, do đó trong giai đoạn 2018-2020, thành phố cần 284.000 tỷ đồng (hơn 87% tổng nhu cầu vốn của chương trình).

Sở GTVT TP cho rằng nếu tiếp tục thực hiện theo phương thức cũ, dự báo cuối năm 2020 sẽ không hoàn thành các mục tiêu đề ra. Hiện một số dự án của Bộ GTVT trên địa bàn thành phố chưa triển khai, các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) chưa có nhà đầu tư quan tâm.

Trong khi đó, việc triển khai dự án PPP đang gặp một số khó khăn, nếu không tháo gỡ sớm thì khó đáp ứng nhu cầu đầu tư (chiếm gần 40% tổng vốn của chương trình và gấp 3 lần vốn đầu tư từ ngân sách), ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu về chiều dài đường và số cây cầu làm mới, mật độ đường giao thông và tỷ lệ đất dành cho giao thông.

Việc tạm dừng xem xét, đề xuất các dự án PPP trong hơn 10 tháng qua tại thành phố và bố trí vốn ngân sách đầu tư thấp hơn nhiều so nhu cầu, dẫn đến khả năng cao không đạt được một số chỉ tiêu về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm đang xây dựng và dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án.

Theo Sở GTVT TP, nếu không bổ sung một số cơ chế về giải phóng mặt bằng cũng như lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện dự án theo hình thức PPP thì rất khó hoàn thành mục tiêu giao thông.

Hiện TPHCM vẫn chưa có nguồn vốn để khép kín đường Vành đai 2 và triển khai xây dựng đường Vành đai 3 (Trong ảnh: hầm chui nút giao Mỹ Thuỷ trên đường Vành đai 2)
Hiện TPHCM vẫn chưa có nguồn vốn để khép kín đường Vành đai 2 và triển khai xây dựng đường Vành đai 3 (Trong ảnh: hầm chui nút giao Mỹ Thuỷ trên đường Vành đai 2)

Bên cạnh đó, việc đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đô thị vào năm 2020 đạt 15% là khó khăn, thử thách đối với ngành giao thông vận tải (hiện nay đạt 9,5%).

Sở GTVT TP cho rằng trong điều kiện dân số và phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng mà các dự án giao thông công cộng như metro số 1, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng còn thiếu nên ảnh hưởng đến việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Do đó, Sở GTVT TP kiến nghị tập trung huy động các nguồn lực trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ (2018-2020) với kinh phí dự kiến là 284.000 tỷ đồng.

Triển khai đầu tư đoàn phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách cộng cộng đến năm 2020 đạt 5.525 xe (trong đó có 4.306 xe buýt và 1.219 xe đưa rước học sinh), cần bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hỗ trợ một phần lãi vay là 8.644 tỷ đồng và kinh phí ngân sách dự kiến hỗ trợ lãi vay là 2.447 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố cần có chủ trương chuyển đổi linh hoạt về nguồn vốn đầu tư, hình thức đầu tư của các dự án đầu tư trong danh mục chương trình (từ vốn ngân sách sang PPP, ODA và ngược lại).

Hệ thống giao thông công cộng của TPHCM chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, tỷ lệ người dân đi xe buýt còn thấp
Hệ thống giao thông công cộng của TPHCM chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, tỷ lệ người dân đi xe buýt còn thấp

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đã qua nửa chặng đường nhưng nhiều chỉ tiêu giao thông còn rất thấp, còn xa vời với mục tiêu mà chương trình đột phá đề ra.

Trong đó, mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông về cả 3 mặt vẫn chưa đạt. Như vậy, từ đây đến cuối nhiệm kỳ phải thực hiện quyết liệt các giải pháp.

Để giảm tải giao thông đường bộ, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng thì phải đưa ra các giải pháp cụ thể cho hệ thống giao thông cộng, phát triển vận tải hành khách đường thuỷ… Trong đó, chú trọng giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh đi xe buýt.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở GTVT TP phải căn cứ vào nguồn lực, tính toán tính khả thi, tính cấp bách của các dự án, từ đó phân loại việc sử dụng nguồn vốn, phương thức đầu tư nào cho phù hợp.

Tính đến tháng 4/2018, thành phố đã làm mới và đưa vào sử dụng 97,6km/272km đường bộ (đạt 35,88%); xây dựng mới 32/76 cây cầu (đạt 42,1%); tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,85/12,2% (đạt 72,5%); mật độ đường giao thông đạt 2,03/2,2 km/km2 (đạt 92,3%); khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đạt 9,5/15% nhu cầu đi lại (đạt 63,33%); thành phố đã kìm hãm và giảm dần số vụ ùn tắc giao thông; tuy nhiên tai nạn giao thông (số vụ, số người chết và số người bị thương) hàng năm chưa kéo giảm được 5% so với năm liền kề.

Quốc Anh