1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Ì ạch khép kín đường vành đai 2

(Dân trí) - Tuyến đường vành đai 2 của TPHCM còn 4 đoạn nữa mới khép kín, trong khi 3 đoạn đang tìm phương án đầu tư thì đoạn Phạm Văn Đồng – Gò Dưa (khởi công từ 2015) dài 2,75km vẫn đang thi công với tốc độ “rùa bò”… Máy móc phơi nắng, kỹ sư, công nhân cũng chỉ biết “nằm chờ” vì thiếu mặt bằng thi công…

Gần 4 năm chưa xong đoạn đường dài 2,7km

Đường Vành đai 2 của TPHCM dài hơn 64km (với quy mô từ 6-10 làn xe), hiện đã đầu tư được hơn 54km, bề rộng trung bình 35m. Tuyến đường còn 3 đoạn dài hơn 10km vẫn chưa được đầu tư.

lang phi nhan cong.JPG
Dự án vành đai 2, đoạn Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa (quốc lộ 1) động thổ từ năm 2015 nhưng đến nay chỉ là từng đoạn công trường ngổn ngang

Tháng 12/2015, UBND TPHCM tổ chức lễ động thổ xây dựng tuyến đường dài hơn 2,7km nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao thông Gò Dưa (quốc lộ 1). Dự án được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).

Trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư 1.135 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, được tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức tổ chức thực hiện, với hơn 1.800 tỷ đồng.

Đoạn tuyến này hết sức quan trọng, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố, qua đó, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng vào Thủ Đức.

cho mat bang thi cong.JPG
Không khí ảm đạm trên công trường, đoạn cầu Rạch Lùng (phường Linh Đông và Tam Bình)

Dù được khởi công từ cuối năm 2015 nhưng đến nay tuyến đường hơn 2,7km vẫn chưa hoàn thành. Cũng như một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, dự án đường nối bị chậm vì thiếu mặt bằng thi công.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, mặt bằng chưa được bàn giao đầy đủ nên việc thi công bị cắt đoạn. Ngay đoạn Rạch Lùng – tiếp giáp phường Linh Đông và Tam Phú, công trường chỉ hoạt động ở phía phường Tam Phú. Còn phía phường Linh Đông ra đường Phạm Văn Đồng “án binh bất động” vì chưa có mặt bằng.

cau Rach Lung.JPG
Những trụ cầu còn dang dở dưới lòng Rạch Lùng

Phía phường Linh Đông, công trường còn dở dang, máy móc phơi nắng, kỹ sư, công nhân cũng đành “nằm chờ”, vật tư nằm ngổn ngang… vì mặt bằng không đủ thi công.

Dưới Rạch Lùng, nhà thầu mới thi công được vài trụ cầu, mố cầu và sàn giảm tải… và công việc cũng dang dở vì không có mặt bằng hoàn chỉnh trụ cầu, mố cầu 2 bên để lắp dầm. Đơn vị thi công “đóng quân” ở Rạch Lùng cả năm nay và tiếp tục chờ mặt bằng từ quận Thủ Đức, gây lãng phí nhân công, máy móc.

cong truong cau rach lung.JPG
Vật tư nằm ngổn ngang, trụ cầu Rạch Lùng hiện chỉ là khung thép nằm "thi gan cùng tuế nguyệt"

Gần đó, một đoạn công trường ven đường Bình Phú (phường Tam Phú) cũng thi công cầm chừng vì thiếu mặt bằng.

Theo Sở Giao thông vận tải TP, việc thi công bị cắt đoạn do mặt bằng chưa liên thông. Nhiều khu vực máy móc đành “nằm chờ” vì chưa có mặt bằng. Tính đến tháng 3/2019, quận Thủ Đức bàn giao chưa tới 50% mặt bằng.

tru cau Rach Lung.JPG
Mặt bằng phía phường Linh Đông chưa được bàn giao nên đơn vị thi công cũng đành "án binh bất động"

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khó khăn nên tiến độ dự án kéo dài. Sở cũng đề nghị quận Thủ Đức sớm bàn giao mặt bằng, đặc biệt là các vị trí chính yếu như cầu, cống vì thi công tốn thời gian…

duong vanh dai 2.JPG

Vướng mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ

may moc nam phoi nang.JPG
Máy móc, nhân công bị lãng phí
cong truong duong vanh dai 2.JPG

Dự án Phạm Văn Đồng - Gò Dưa cũng như bao dự án trọng điểm khác tại TPHCM - thiếu mặt bằng thi công

giao dat cat doan.JPG

Dù kéo dài nhiều năm qua nhưng quận Thủ Đức vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công

Nhiệm vụ quan trọng năm 2019 là nhanh chóng hoàn thành các công tác giải phóng, hoàn tất các thủ tục thanh toán quỹ đất BT cho nhà đầu tư và đẩy tiến độ, hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1 vào cuối năm 2020.

Nan giải bài toán nguồn vốn khép kín 11km

Để khép kín đường vành đai 2, TPHCM cần đầu tư 3 đoạn còn lại gồm: từ ngã 3 An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3km. Đây là khu vực có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn nên khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư.

du an duong pham van dong - go dua.JPG

Mặt bằng bị cắt đoạn nên đơn vị thi công cũng không thể làm gì hơn ngoài việc "nằm chờ"

Đối với 2 đoạn còn lại nằm ở phía Đông Bắc TP, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội, khoảng 3,8km và đoạn từ khu vực nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), chiều dài khoảng 2km.

Hai đoạn này đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự kiến thi công vào năm 2020. Sở GTVT TP cho biết đề xuất dự án đã được thành phố phê duyệt vào cuối năm 2016, hồ sơ thiết kế cơ sở cũng được thẩm định.

cong truong duong vanh dai 2 tai quan thu duc.JPG
Dự án giao thông trọng điểm nhưng công trường lại vắng vẻ vô cùng

Cũng theo Sở GTVT TP, các đoạn tuyến của đường Vành đai 2 nêu trên được UBND TP đưa vào danh mục các dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có các hình thức như BT, BOT... Tuy nhiên, khó khăn nhất là xác lập phương án tài chính.

Đầu tư theo hình thức BOT phù hợp với tuyến đường làm mới nhưng trạm thu phí không được đặt quá gần với trạm thu phí khác và nguồn thu cũng phải phù hợp với chi phí đầu tư.

Đầu tư theo hình thức BT thì cần đủ quỹ đất có giá trị phù hợp với chi phí đầu tư đường để thanh toán, nhưng quỹ đất trên địa bàn TP hiện không có nhiều nên việc cân đối phương án tài chính của dự án là bài toán khó. Khi TPHCM hoàn thiện quy trình thực hiện dự án PPP, để triển khai đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả, các dự án được đẩy nhanh hơn.

cong truong duong binh phu.JPG

Công trường thi công đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa ở ven đường Bình Phú (phường Tam Phú, quận Thủ Đức)

Đối với 2 đoạn ở phía Đông Bắc, Sở GTVT TP tham mưu và kiến nghị UBND TP bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và được chấp thuận.

Đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, thành phố chủ trương dùng ngân sách hơn 4.200 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp sẽ đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng để làm cầu, đường. Đường vành đai 2 được hy vọng sẽ khép kín trong giai đoạn 2022-2023, tổng vốn đầu tư của 3 đoạn còn lại khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Quốc Anh