TPHCM hướng đến kịch bản tăng trưởng cao nhất 5%
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, "cú sốc" Covid-19 đã khiến kinh tế bị tác động mạnh. Do đó, thay vì duy trì mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt trên 8%, TPHCM hướng đến kịch bản tăng trưởng cao nhất là 5%.
Ngày 23/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020.
Chủ tịch UBND TP thông tin, những năm gần đây mức tăng trưởng kinh tế của thành phố đều trên 8%. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 6 tháng đầu năm tăng trưởng chỉ còn 2%.
Ông Phong cho biết, dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố có 3 kịch bản tăng trưởng từ 3-5%, nhưng bằng mọi giải pháp, thành phố phải cố gắng đạt mục tiêu cao nhất là 5%.
"Vì vậy, thành phố không dám hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% như ban đầu. Các sở, ngành và quận, huyện phải nỗ lực để đạt được mức tăng trưởng cao nhất theo kịch bản mà Viện nghiên cứu Phát triển thành phố đã đưa ra", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng phân tích lý do dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh.
Lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 60% trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội của thành phố, trong khi dịch bệnh lại tác động mạnh nhất đến các ngành du lịch, lưu trú, khách sạn. Ngoài ra, nguồn thu từ thị trường du lịch nước ngoài rất lớn nhưng chưa được khởi động trở lại.
Ông Phong thông tin, năm 2019, TPHCM đón 8,6 triệu khách du lịch nước ngoài. Tính trung bình thời gian lưu trú mỗi người 3,5 ngày, mỗi ngày tiêu 145-150 USD. Những con số cho thấy thất thu ngành du lịch ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thành phố.
Bên cạnh đó, dù số doanh nghiệp tại TPHCM rất lớn (chiếm hơn 50% cả nước) nhưng trong đó có hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này dễ bị "gãy đổ" do ảnh hưởng dịch. Doanh nghiệp có vốn kinh doanh từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm 2%.
Chủ tịch UBND TP cho biết, trong 6 tháng cuối năm và xa hơn nữa, TPHCM vẫn phải hướng đến mục tiêu kép là vừa ngăn chặn dịch bệnh vừa thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế.
Từ đó, người đứng đầu chính quyền thành phố giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Công Thương phải duy trì các giải pháp đã đề ra để hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch và đề xuất các biện pháp mới theo từng giai đoạn.
Trong đó, dự báo có bao nhiêu doanh nghiệp phải ngưng hoạt động do bị cắt giảm đơn hàng, bao nhiêu lao động bị mất việc...
Chủ tịch các quận, huyện phải rà soát, ngồi lại và lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ và báo cáo thành phố giải quyết nếu vượt thẩm quyền.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế thành phố. Do đó, nếu cần thiết thì điều chuyển vốn và tính toán việc giao vốn phù hợp. Thành phố đặt mục tiêu đến ngày 15/10, tỷ lệ giải ngân đầu tư công bình quân phải đạt trên 80%.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt hơn 614.590 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%).