1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Hơn 20 năm người dân hiến "kim cương" vì lợi ích chung

Q.Huy

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đất ở thành phố không chỉ tấc đất tấc vàng mà có thể nói là tấc kim cương. Nhưng vì cộng đồng, vì thành phố, người dân sẵn sàng hiến đất hơn 20 năm qua.

Sau hơn 20 năm thực hiện cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, TPHCM đã huy động được hơn 5,3 triệu m2 đất, tương đương 10.000 tỷ đồng. Những con đường được mở rộng đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thay đổi diện mạo của TPHCM từ năm 2.000 đến nay.

Bỏ qua giá trị vật chất, những con đường, con hẻm do chính người dân tạo ra còn mang lại những giá trị, ý nghĩa to lớn khác, không thể đong đếm. Vượt qua phạm vi của TPHCM, mô hình hiến đất, mở rộng hẻm cũng được nhiều địa phương khác làm theo và phát huy hiệu quả.

TPHCM: Hơn 20 năm người dân hiến kim cương vì lợi ích chung - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: H.Q).

"Đất TPHCM không chỉ tấc đất tấc vàng mà có thể nói là tấc kim cương. Nhưng vì cộng đồng, vì thành phố, người dân đã sẵn sàng hi sinh lợi ích. Điều này càng khẳng định điểm đặc trưng về văn hóa của người dân Sài Gòn", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ.

"Thay áo mới" những con đường đất

Chị Cẩm Nhung, người dân sinh sống tại TP Thủ Đức, chia sẻ, gia đình chị trước đây nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ. Ngày đó, con hẻm chỉ có đường đất đỏ, trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì sình lầy nước đọng...

"Mẹ vẫn thường nhắc tôi ôm chặt mỗi khi chở tôi rẽ vào hẻm để về nhà, bởi con đường nhiều ổ gà lồi lõm. Tôi từng nghĩ, lớn lên, mình sẽ làm con đường đẹp hơn cho mẹ chạy xe an toàn, để chiếc áo trắng học trò không còn bị lấm lem bùn đất mỗi mùa mưa tới, để ba mẹ tôi không phải rong ruổi khắp nơi xin than về đắp vá đường...", chị Cẩm Nhung nhớ lại.

TPHCM: Hơn 20 năm người dân hiến kim cương vì lợi ích chung - 2

Nhiều tuyến hẻm tại khu vực trung tâm TPHCM được thay đổi diện mạo nhờ sự chung tay của người dân (Ảnh tư liệu).

Sau khi có cuộc vận động từ cấp ủy và chính quyền TPHCM, con đường đã được "thay áo mới". Qua cuộc vận động nhân dân hiến đất mở đường, mơ ước của chị Cẩm Nhung ngày ấy đã thành sự thật.

"Một người thì không đủ, nhưng nhiều người sẽ tạo nên sức mạnh không tưởng. Chỉ cần đoàn kết lại, cùng góp sức, điều kỳ diệu sẽ đến", chị Cẩm Nhung chia sẻ.

Chị Đoàn Thị Tuyết Vân, Giáo viên Trường tiểu học Bình Chiểu (TP Thủ Đức), kể lại, con hẻm nhà chị trước đây nhỏ đến mức xe ba gác cũng khó lọt. Chưa kể những ngày mưa, nước nổi, sình lầy ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.

TPHCM: Hơn 20 năm người dân hiến kim cương vì lợi ích chung - 3

Một con hẻm trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) sau khi được mở rộng nhờ người dân hiến đất (Ảnh: H.Q.).

Khi thấu hiểu sự khó khăn đó, các cô chú, bác trong xóm tôi cùng nhau thỏa thuận mỗi bên đường lùi vào 1m đất để con hẻm rộng ra được chừng 3-4m. Sự thỏa thuận ấy không cần giấy tờ cũng chẳng cần công chứng, mỗi người một tay cùng nhau san lấp mặt bằng.

"Nói là làm, nhà ai có cuốc dùng cuốc, có xẻng dùng xẻng, có sức khỏe thì cùng nhau san đất để giúp mặt đường được bằng phẳng", chị Vân chia sẻ.

Sau khi mặt bằng được làm rộng, chỉ ít năm sau, niềm vui của người dân trong hẻm lại được nhân lên khi chính quyền bê tông hóa các con hẻm. Đồng thời, dự án đại lộ Phạm Văn Đồng, nơi con hẻm dẫn ra được thực hiện và thông xe vào năm 2017.

Hiện, con hẻm nhà chị Vân nằm cạnh trung tâm thương mại. Từ một con đường đất nhỏ hẹp, nơi đây "thay áo" thành một con đường khang trang, rộng rãi, thu hút nhiều dân nhập cư với loạt nhà chung cư, dãy trọ hình thành...

Cần cơ chế hỗ trợ hộ bị ảnh hưởng lớn

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, bày tỏ, khi chỉ nhìn vào hình thức, nhiều người sẽ đặt câu hỏi vì sao đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước lại bàn về chủ trương hiến đất mở hẻm?

"Vấn đề có thể nhỏ, nhưng tác động rất lớn đến đời sống, sinh kế, sự phát triển của TPHCM. Khi gỡ được điểm nghẽn này, thành phố sẽ tạo ra động lực, xung lực mới cho sự phát triển", ông Phan Văn Mãi phân tích.

TPHCM: Hơn 20 năm người dân hiến kim cương vì lợi ích chung - 4

Nhiều tấm gương tiêu biểu trong hoạt động hiến đất, mở rộng hẻm được trao bằng khen tại hội nghị (Ảnh: H.Q.).

Bên cạnh đó, các tuyến đường, tuyến hẻm được mở rộng không chỉ giúp đời sống người dân được cải thiện mà còn khiến giá trị nhà, đất tăng lên. Đây là bài học để thành phố thực hiện các phần việc khác trong quá trình xây dựng, phát triển.

Người đứng đầu chính quyền thành phố mong muốn, đến năm 2025, sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, địa phương cần đặt mục tiêu xóa bỏ những con hẻm chật hẹp, mất an toàn, những khu dân cư ổ chuột, trên và ven kênh, rạch. Ông Phan Văn Mãi cho rằng, đây sẽ là món quà ý nghĩa nhất để thành phố chào mừng ngày kỷ niệm trọng đại.

Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ thêm, trong quá trình thực hiện chủ trương, hầu hết người dân tham gia đều đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đầu hẻm, có diện tích bị ảnh hưởng lớn cần được tính toán, hỗ trợ để đảm bảo hài hòa lợi ích, bù đắp một phần thiệt hại.

"Những hộ dân bị ảnh hưởng lớn cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể của thành phố. UBND TPHCM đã đề nghị Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu cơ chế hỗ trợ tài chính. Thành phố có thể sử dụng chi phí chỉnh trang, đầu tư hạ tầng đô thị để thực hiện phần việc này", Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.

Bên cạnh xây dựng, mở rộng, UBND TPHCM cũng lưu ý các địa phương về việc giữ trật tự xây dựng, chống lấn chiếm. Ông Phan Văn Mãi nêu thực trạng, hiện tại, còn một số khu vực có nhà xây lấn chiếm, cơi nới gây mất an toàn, cản trở giao thông. Đây là điều cần quan tâm và cải thiện trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê từ năm 2000 đến năm 2021 tại TPHCM, trên 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất, tương đương với hơn 10.000 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình chung. Các công trình do người dân chung tay cùng thành phố gồm mở rộng hẻm, mở rộng đường và những hạng mục xã hội khác.

Ngoài hiến đất, TPHCM còn nhận được hơn 458 tỷ đồng từ người dân để thực hiện mở đường, hẻm, các công trình công cộng. 

Bên cạnh đó, tại một số quận, huyện, kinh phí đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, chưa đủ khả năng hỗ trợ các hộ gặp nhiều thiệt hại. Một số nơi có đất hiến nhưng phải để lại, chưa thể thực hiện ngay.

Về mặt mỹ quan đô thị, nhiều căn nhà đầu hẻm, tiếp giáp mặt tiền đường lớn không được hưởng lợi từ mở rộng hẻm. Người dân gặp khó khăn bởi việc xẻ dọc, xẻ ngang căn nhà dẫn đến phá vỡ toàn bộ kết cấu, làm giảm giá trị phần đất còn lại.

Ngoài ra, một số nhà dân có diện tích nhỏ, số nhân khẩu đông, nếu mở rộng hẻm sẽ bị giải tỏa trắng hoặc chỉ còn diện tích rất nhỏ. Nhiều hộ là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, thu nhập hàng tháng rất thấp, hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện hiến đất khiến việc vận động giao đất lấy mặt bằng thi công còn kéo dài.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm