1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM hỗ trợ khẩn cấp các hộ phải di dời vì sụt lún nghiêm trọng ở Thanh Đa

Q.Huy

(Dân trí) - UBND TPHCM chấp thuận việc hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ dân phải di dời do ảnh hưởng của vụ sạt lở tại Thanh Đa nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân.

UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai và UBND quận Bình Thạnh liên quan tới sự cố sụt lún kè, nhà các hộ dân tiếp giáp bờ kè Thanh Đa, đoạn 1.1 (phường 25, quận Bình Thạnh).

UBND TPHCM giao quận Bình Thạnh thực hiện ý kiến của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã đề xuất.

TPHCM hỗ trợ khẩn cấp các hộ phải di dời vì sụt lún nghiêm trọng ở Thanh Đa - 1

Nhiều hộ dân tại phường 25, quận Bình Thạnh chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra tại bờ kênh Thanh Đa (Ảnh: Hoàng Hướng).

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã kiến nghị UBND TPHCM giao quận Bình Thạnh phối hợp Sở GTVT, Sở LĐ-TB&XH, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và các đơn vị tổ chức kiểm đếm, đánh giá, xác nhận hiện trạng các nhà dân trong khu vực đã lún nứt, hư hỏng, thiệt hại do ảnh hưởng của sạt lở.

Trên cơ sở đó, quận Bình Thạnh tham mưu, đề xuất UBND thành phố về chế độ, chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ dân phải di dời do ảnh hưởng của sạt lở theo quy định, sớm ổn định cuộc sống người dân.

Trước đó, Sở GTVT TPHCM đã có cuộc họp về giải pháp phòng chống lún sụt bờ kênh Thanh Đa (đoạn 1.1 thuộc phường 25, quận Bình Thạnh). 

Sau 9 ngày theo dõi khu vực này (từ 27/6 đến 6/7), Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) đã báo cáo hiện trạng: đỉnh kè có hiện tượng sụt lún bình quân khoảng 1,78cm/ngày, chuyển vị bình quân khoảng 2cm/ngày.

Cơ quan chức năng dự kiến tình hình sụt lún vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ sạt lở công trình, ảnh hưởng đến các công trình nhà dân hiện hữu gần mép đỉnh kè.

Trên cơ sở kết quả đo đạc, để đảm bảo ổn định tại khu vực trên, Portcoast đề xuất thực hiện khảo sát một cách tổng quan cũng như thu thập đầy đủ số liệu địa hình, địa chất, thủy văn… để có nhận xét chính xác về nguyên nhân gây ra sụt lún và có giải pháp xử lý triệt để.

Trước mắt, đơn vị này đề nghị cần có giải pháp hạ tải trọng một số nhà dân gần đỉnh kè để giảm tải tác động ngang lên thân kè, hạn chế hiện tượng sụt lún công trình kè và đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Ảnh: Hoàng Hướng