1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Giá vé xe Tết tăng gấp 3 lần vẫn... "cháy"

(Dân trí) - Mùa cao điểm Tết năm nay, một lượng lớn doanh nghiệp vận tải đưa phương tiện ra để kinh doanh. Nhu cầu hành khách tăng cao, nhiều tuyến về miền Trung giá tăng gấp hơn 3 lần ngày thường…

Cũng như mọi năm, tỷ lệ phụ thu giá vé Tết đối với các xe tại bến xe miền Đông là từ 20 – 60% tùy theo tuyến đường và thời điểm. Có điểm khác với mọi năm là không còn cảnh hành khách xếp hàng chờ đợi, chen nhau mua vé xe Tết. Hành khách đến mua vé tại bến xe miền Đông thưa thớt hơn hẳn. Lượng người đến mua vé so với ngày thường tăng không đáng kể.

Khung cảnh vắng vẻ tại khu vực bán vé tuyến miền Trung tại bến xe miền Đông
Khung cảnh vắng vẻ tại khu vực bán vé tuyến miền Trung tại bến xe miền Đông

Khu vực bán vé trước các tuyến miền Trung (Bồng Sơn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Đà Nẵng) của bến xe miền Đông lúc nào cũng vắng vẻ. Dù giá vé khá mềm, từ 460.000 – 500.000 đồng, chỉ cao hơn ngày thường khoảng 100 nghìn đồng nhưng hành khách có vẻ không “mặn mà” chọn mua. Lý do mà nhiều người đưa ra là xe ghế ngồi loại 2 nên e ngại về chất lượng an toàn.

Trong khi đó, chỉ vài ngày mở bán thì các quầy xe thương hiệu về miền Trung đã thông báo hết vé những ngày cao điểm Tết. Nhiều người hỏi mua thì được giới thiệu chỉ còn xe ghế ngồi từ 23 tháng Chạp trở về trước.

Một trong những lý do khiến bến xe vắng vẻ là nhiều doanh nghiệp bán vé qua điện thoại, mở bán online, bán vé tại các phòng vé ngoài bến xe…

Khảo sát một số điểm bán vé về miền Trung tại khu vực quận Tân Bình, Tân Phú, chúng tôi không khỏi giật mình khi giá vé tăng gấp hơn 3 lần nhiều người vẫn móc hầu bao đặt chỗ.

Ghé phòng vé hãng xe Cẩm Vân (đường Tân Thành, quận Tân Phú), một nữ nhân viên bán vé “hét” giá 1,2 triệu đồng/vé xe giường nằm về Quảng Ngãi. Chúng tôi hỏi giá xe ngày thường là bao nhiêu thì nhân viên này cho biết chỉ 360.000 đồng. Thắc mắc tại sao giá quá cao như vậy, cô nhân viên nói rằng mùa Tết giá ở đâu cũng tăng cả. Nếu không đặt chỗ thì sẽ hết ghế vì những ngày cao điểm hầu như chỉ còn trống vài ghế.

Chúng tôi tiếp tục ghé hãng xe Anh Hào (ngã tư Đồng Đen – Hồng Lạc, quận Tân Bình) hỏi vé xe về Quảng Nam. Nữ nhân viên bán vé cho biết giá giường nằm là 1 triệu đồng/vé. Hành khách phải đặt cọc tối thiểu là nửa giá vé và lên xe ngay tại điểm bán vé.

Phòng vé hãng xe Cẩm Vân trên đường Tân Thành (quận Tân Phú)
Phòng vé hãng xe Cẩm Vân trên đường Tân Thành (quận Tân Phú)

Theo nhiều người, vì lượng vé xe ngày Tết có hạn nhưng nhu cầu đi lại tăng mạnh nên cũng đành chấp nhận giá cao. Ngoài ra, việc đi xe ngoài bến cũng đỡ tốn kém thời gian đi lại, chờ đợi, được hỗ trợ bốc xếp hàng hóa, xe cộ…

Theo Ban giám đốc bến xe miền Đông, một số doanh nghiệp vận tải có thương hiệu thường thuê quầy trong bến bán vé cho có lệ, còn chủ yếu bán vé “chui”. Bến xe miền Đông đã mất hẳn tuyến đi Quảng Nam, Lâm Đồng vì các doanh nghiệp mở các điểm bán trong nội thành đưa toàn bộ xe ra ngoài chở khách. Hành khách thường tập trung vào các điểm xe “dù” tại khu vực quận 1, quận 5, Tân Phú và Tân Bình.

Nhiều doanh nghiệp được cấp phép hoạt động tuyến cố định đã xin thêm giấy phép du lịch lữ hành và đưa xe vào nội thành hoạt động để chở hành khách các tuyến cố định như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu…

Theo ông Thượng Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc bến xe miền Đông, trước đây bến xe có khoảng 4.000 xe hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua có đến 1.000 xe đã bỏ bến ra ngoài đón khách để lấy giá cao hơn. Nhất là mùa cao điểm Tết khi “cầu” cao hơn “cung”, họ đẩy giá cả lên cao, có khi gấp 2 – 3 lần.

Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân khiến xe bỏ bến. Tâm lý hành khách là tiện đâu đi đó. Nếu nhà trong thành phố mà có xe thì họ đỡ phải tốn thời gian di chuyển ra bến xe. Doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc này đưa xe vào nội thành hoạt động để thu hút khách. Dần dần, nhiều doanh nghiệp cũng bỏ bến vào nội thành nếu muốn tồn tại. Vì thế, doanh nghiệp hoạt động tại bến xe “teo tóp” dần.

Ngoài ra, theo quy định thì các xe hoạt động trong bến phải đáp ứng nhiều điều kiện trước khi xuất bến. Chẳng hạn như kiểm tra búa thoát hiểm, bình chữa cháy, thiết bị giám sát hành trình… Do vậy, nhiều xe không đủ điều kiện thì bỏ bến ra ngoài để được chạy thoải mái vì không có ai kiểm tra, giám sát.

Một cán bộ Sở GTVT TP cho biết, nhiều hãng xe vừa chạy trong bến vừa chạy ngoài bến theo dạng hợp đồng hoặc du lịch lữ hành. Các xe chạy ngoài bến thì hay đẩy giá lên cao vào dịp cao điểm Tết. Nhiều hãng chạy hợp đồng, du lịch nhưng thực chất là chạy tuyến cố định. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì nhà xe xuất trình hợp đồng ký với hành khách nên không xử lý được.

Quốc Anh

TPHCM: Giá vé xe Tết tăng gấp 3 lần vẫn... "cháy" - 3