1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Đổi đất lấy nhà vệ sinh công cộng

(Dân trí) - Hiện nay, mạng lưới nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí chưa phù hợp. Để phát triển du lịch, TP phải giải quyết vấn đề thiếu nhà vệ sinh đang nhức nhối này. Giải pháp căn cơ được lãnh đạo TP đưa ra là có thể đổi đất để lấy nhà vệ sinh.

Chiều 4/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc, nghe các sở, ngành thành phố báo cáo tiến độ xây dựng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) phục vụ người dân, khách du lịch…

Thiếu nhà vệ sinh trầm trọng

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, hiện nay, mạng lưới NVSCC trên địa bàn chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí không phù hợp. Cụ thể, TP có 208 NVSCC có thu phí, trong đó có 155 cái tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Chỉ có 11 NVSCC do Sở GTVT TP phối hợp với một ngân hàng xây dựng chủ yếu ở quận 1 là đạt yêu cầu.

Sở Tài nguyên – Môi trường được phân công chủ trì xây dựng đề án xây dựng NVSCC và hiện đang lấy ý kiến các sở, ngành đóng góp cho đề án này. Nếu đề án hoàn thành sẽ chủ trương xã hội hóa xây dựng NVSCC để phục vụ người dân, khách vãng lai và khách du lịch.

Nhà vệ sinh tiêu chuẩn 5 sao tại công viên Lê Văn Tám (quận 1) do một ngân hàng xây dựng
Nhà vệ sinh tiêu chuẩn "5 sao" tại công viên Lê Văn Tám (quận 1) do một ngân hàng xây dựng

Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Lã Quốc Khánh cho biết, những địa điểm nhiều khách du lịch như Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà cũng chưa bố trí NVSCC. Nhiều bảo tàng chưa có NVSCC, còn nơi có thì cũng đã xuống cấp.

“Với đô thị phát triển như TP thì NVSCC rất quan trọng. Đặc biệt là muốn phát triển du lịch thì phải xử lý được vấn đề thiếu nhà vệ sinh đang rất nhức nhối”, ông Khánh nói và cho biết Sở cũng vận động khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… hướng dẫn và cho phép người dân, khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh…

Để góp phần nâng cao đời sống văn hóa – văn minh đô thị, phát triển nhanh số lượng và chất lượng các NVSCC, Sở Du lịch TP đề xuất, TP giao Sở GTVT TP rà soát nơi có đất công cộng như công viên, khu vui chơi… rồi giao các doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư nhà vệ sinh cao cấp. Đổi lại, doanh nghiệp được quyền quảng bá thương hiệu của mình tại đây. Nếu doanh nghiệp là ngân hàng thì chính quyền có thể cho phép họ đặt trụ ATM…

TPHCM có thể đổi đất lấy NVSCC

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường và 24 quận, huyện chủ động trong việc triển khai xây dựng NVSCC bởi việc xây dựng tùy vào nhu cầu thực tế chứ không phụ thuộc quá nhiều quy hoạch. Nơi nào xây dựng được NSVCC mà không vướng quy hoạch thì triển khai làm ngay.

“Đối với những nơi có nhà vệ sinh rồi thì phải nâng cấp, chỉnh trang lại, ít nhất phải đạt yêu cầu. Nhà vệ sinh mà mất vệ sinh là không chấp nhận được”, ông Tuyến nói và yêu cầu các địa phương không nên trông chờ vào ngân sách nhà nước mà nên linh động, thu hút xã hội hóa.

“Ngoại trừ những cái lớn như cầu, đường thì khó chứ nhà vệ sinh thì nhà đầu tư sẽ đồng ý. Thay vì nói họ góp tiền vào quỹ người nghèo thì ta đặt vấn đề xây 50 phòng vệ sinh, mỗi cái khoảng 100 triệu. Bỏ ra 5 – 10 tỉ mà cho người ta quảng cáo thương hiệu như xây dựng quầy ATM; xây ki ốt kinh doanh, bán đồ lưu niệm… để đơn vị kinh doanh có nguồn thu thì họ sẵn sàng”, ông Tuyến gợi ý.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các địa phương linh động, kêu gọi xã hội hóa xây dựng NVSCC
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các địa phương linh động, kêu gọi xã hội hóa xây dựng NVSCC

Ông Tuyến cũng yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường nghiên cứu xây dựng NVSCC theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao); tiêu chuẩn, thiết kế do TP đưa ra. Vùng ngoại thành thì đảm bảo yêu cầu còn nội thành có tiêu chuẩn cao hơn như có hệ thống lọc khí, máy lạnh… Chẳng hạn như nhà đầu tư xây dựng 1.000 NVSCC và TP sẽ đổi bằng một khu đất.

“Làm sao để người ta vào nhà vệ sinh thấy nhẹ nhàng, thoải mái, nên thơ chứ không nhất thiết phải là hai màu xanh, trắng. Khi xây dựng dữ liệu cho bản đồ số về du lịch của thành phố phải đưa thông tin này vào và tuyên truyền để người dân, du khách biết mà sử dụng. Người ta chỉ đánh “từ khóa” tìm kiếm thì sẽ hiện ra NVSCC ở đâu. Xây dựng thành phố thông minh thì phải làm được như vậy. Cần cái gì lên bản đồ số là có hết”, ông Tuyến lưu ý.

Ông Tuyến cho rằng, những công trình mới phải xây dựng nhà vệ sinh công cộng để nâng cao tiện lợi cho người dân, du khách. “Chẳng hạn như quận 1 đang kêu gọi đầu tư dự án khu thương mại ngầm bến Bạch Đằng, thì yêu cầu người ta xây NVSCC bên ngoài để tạo sự tiện lợi cho người dân, khách du lịch khi sử dụng…”, ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cho rằng thu phí sử dụng NVSCC hay không thì các địa phương nghiên cứu nhưng tốt nhất là không thu. Ngoài ra, phải có kế hoạch tập huấn, chế độ chính sách cho nhân viên phục vụ… Đồng thời, kiểm soát tốt các địa điểm này để tránh thành nơi tụ tập của những thành phần bất hảo như người cho vay nặng lãi, buôn bán heroin…

“Để đảm bảo hệ thống NVSCC văn minh, hiện đại, sinh động và xứng tầm với đô thị trung tâm như thành phố thì mình phải có chiến lược, kêu gọi nhà đầu tư làm đồng bộ, thống nhất chứ quận, huyện làm manh mún, chậm. Có đất đai giao cho họ làm là xong luôn”, ông Tuyến nhấn mạnh một lần nữa.

Quốc Anh

TPHCM: Đổi đất lấy nhà vệ sinh công cộng - 3