1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM chi hơn 73.000 tỷ đồng đầu tư công trong 5 năm tới

(Dân trí) - TPHCM sẽ chi 73.124 tỷ đồng tiền ngân sách cho đầu tư công trung hạn 5 năm tới, từ 2016 – 2020. Bên cạnh đó, TP dự kiến nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho 5 năm tới là gần 52.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm từ 2016 – 2020 của UBND TP, bên cạnh hai nguồn vốn nêu trên, TPHCM dự kiến huy động vốn bằng hình thức đối tác công tư (PPP) là hơn 105.000 tỷ đồng.

TPHCM chi hơn 73.000 tỷ đồng đầu tư công trong 5 năm tới
Nhiều dự án về giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng góp phần thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội TPHCM (trong ảnh: đường Phạm Văn Đồng)

Theo UBND TP, trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công 5 năm tới, dự kiến dự phòng khoảng 15% để xử lý các biến cố do trượt giá, đầu tư các dự án khẩn cấp, các vấn đề phát sinh theo quy định của Luật Đầu tư công trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn vào từng năm cụ thể. Từ năm 2016 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong giai đoạn 5 năm từ 2011 – 2015, tổng chi đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố là hơn 98.700 tỷ đồng; vốn ODA đã được giải ngân ước đạt hơn 26.000 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, số vốn trái phiếu Chính phủ đã giao cho TPHCM là 962,5 tỷ đồng, ước giải ngân đến hết ngày 31//12/2015 là 962,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đã giao.

Theo đánh giá của UBND TP, việc đầu tư vốn ngân sách thành phố đã góp phần đáng kể trong việc xây mới cũng như cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội đang ngày càng xuống cấp của thành phố. Tất cả các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đều đáp ứng được mục tiêu và hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình giao thông, thoát nước đô thị, giáo dục, y tế… Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tích cực, giải quyết được các nhu cầu về dân sinh, xã hội.

Một số dự án quan trọng được đưa vào khai thác, sử dụng như tuyến đường Võ Văn Kiệt, đường hầm sông Sài Gòn, Mai Chí Thọ, đường Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm, đường Phạm Văn Đồng (tuyến Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai ngoài), cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây,…

Bên cạnh đó UNBD TP cũng nhìn nhận, trong điều kiện nhu cầu vốn đầu tư hàng năm của các đơn vị rất lớn (khoảng 40.000 tỷ đồng), tuy nhiên khả năng cân đối ngân sách thành phố chi đầu tư phát triển còn hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Do đó, việc đầu tư cho các dự án, công trình còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Để đảm bảo nguồn đầu tư công 5 năm tới, một số giải pháp được TPHCM thực hiện là bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thu tiền sử dụng đất đối với các địa chỉ nhà đất do thành phố quản lý; rà soát thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đã được giao đất, đã triển khai đầu tư nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Rà soát lại quỹ nhà tái định cư còn tồn xem xét cân đối thực hiện điều chuyển hoặc chuyển nhượng bán thu hồi các khoản tạm ứng trả ngân sách; tăng cường vận động thu hút thêm nguồn vốn ODA; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình, dự án phục vụ dân sinh – xã hội…

Quốc Anh