TPHCM: Chi hơn 220 tỷ đồng bảo vệ trẻ em
(Dân trí) - Theo báo cáo của UBND TP, trong 3 năm (2011 – 2013), TPHCM đã chi hơn 220 tỷ đồng để thực hiện các mô hình bảo vệ trẻ em (BVTE) khỏi các nguy cơ bị ngược đãi, xâm hại, bóc lột, bạo lực…
Kinh phí để thực hiện Chương trình BVTE của thành phố trong thời gian qua được chi chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận các nguồn viện trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện. Trong hơn 220 tỷ đồng chi cho hoạt động BVTE giai đoạn 2011 – 2013 có đến 215 tỷ là từ ngân sách thành phố.
Trong giai đoạn 2011 - 2013, các Sở - Ngành thành phố đã phối hợp Trung tâm Công tác xã hội trẻ em thành phố, UBND quận - huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ BVTE nhằm đảm bảo sự an toàn cho trẻ em như: tư vấn, tham vấn, trị liệu phục hồi tâm lý, thể chất trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực…
Ngoài ra, các ban ngành còn có những hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại... tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, các phúc lợi xã hội khác khi có nhu cầu; loại bỏ hoặc giảm nguy cơ dẫn đến bị ngược đãi, xâm hại, bóc lột, bạo lực… để hạn chế tình trạng trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Các ngành, các cấp chủ động xây dựng các hoạt động tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng cho cha mẹ để BVTE tránh các nguy cơ bị xâm hại. Hàng năm, thành phố còn tổ chức những lớp tập huấn dành cho cán bộ làm trực tiếp trong hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE về các cách thức kết nối, hỗ trợ trẻ em khi có xảy ra xâm hại, bạo lực...
Trong giai đoạn vừa qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 86 trường hợp xâm hại tình dục, bạo hành, ngược đãi, tai nạn thương tích liên quan đến trẻ em. Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, Trung tâm trợ giúp pháp lý và Trung tâm Công tác Xã hội trẻ em đã hỗ trợ tư vấn miễn phí cho trẻ và gia đình về pháp luật có liên quan đến vụ việc đã xảy ra.
Trong những vụ bạo lực trẻ em xảy ra, UBND các phường - xã cử cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em và chấm dứt tình trạng xâm hại, bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến trẻ. Trường hợp có nguy hiểm đến tính mạng, các cơ quan chức năng đã can thiệp, tách trẻ ra khỏi gia đình, tạm lánh nhà hàng xóm…
Thành phố cũng chi ngân sách để thường xuyên tổ chức rà soát lại tình trạng chăn dắt trẻ đi lang thang, xin ăn, trẻ có nguy cơ bạo hành, trẻ em bị xâm hại tình dục… để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các phường - xã về các vấn đề vi phạm đến các quyền của trẻ em như: sử dụng lao động trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, dụ dỗ bắt ép trẻ em đi ăn xin, đánh đập ngược đãi trẻ em…
Trong năm 2013, cán bộ ở các phường – xã còn đến tận gia đình để tư vấn, tham vấn gần 300 cuộc thuyết phục cho trẻ em lang thang hồi gia. Đối với những gia đình có trẻ em đang đi lao động kiếm sống, cán bộ BVTE thuyết phục gia đình giảm số giờ lao động kiếm sống bên ngoài, dành thời gian cho trẻ được tham gia học tập tại các lớp học tình thương, lớp phổ cập ban đêm…
Tùng Nguyên