1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Cầu Rạch Chiếc sắp sập!

Xa lộ Hà Nội là một trong những trục giao thông trọng yếu của TPHCM, xe cộ ngày đêm nườm nượp ra vào cửa ngõ Đông Bắc thành phố. Nằm trên trục đường này, cầu Rạch Chiếc đóng vai trò hết sức quan trọng nhưng đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, trong khi cầu mới dự định xây vẫn còn nằm trên giấy.

Vướng... thi tuyển kiến trúc

 

Cách nay khoảng 6 năm, chính quyền TPHCM đã tính chuyện xây cầu Rạch Chiếc mới, nên đã cho xây dựng 4 chiếc cầu bailey ở hai bên cầu hiện hữu để tạm thời cho xe lưu thông trong thời gian xây dựng cầu mới. Sau đó, Công ty Công trình giao thông 68 đã thi công xong mố trụ của 4 cây cầu tạm, nhưng chỉ mới lắp xong dầm cầu bailey (mượn của Khu Quản lý giao thông đường bộ 7 với số lượng 200 m) của 2 chiếc cầu tạm số 1 và số 2, còn cầu tạm số 3 và số 4 bị tạm ngưng thực hiện cho tới bây giờ. Vì sao vậy?

 

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 2 thuộc Sở Giao thông công chính (GTCC) TPHCM, năm 2001-2002, Công ty tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm đã lập dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc theo quy hoạch xa lộ Hà Nội 6 làn xe. Dự án đang thực hiện thì phải ngưng do quy mô xa lộ Hà Nội có sự thay đổi, tăng lên 10 làn xe.

 

Đến năm 2005, việc lập dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc mới được thực hiện trở lại, theo quy mô mới của xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, dự án đã gặp phải vướng mắc do UBND TPHCM yêu cầu phải tổ chức thi tuyển kiến trúc đối với cây cầu này.

 

Phó giám đốc Sở GTCC TPHCM - ông Nguyễn Việt Sơn - chủ trì cuộc họp về dự án cầu Rạch Chiếc vào sáng 25/10 cho biết, xây dựng cầu Rạch Chiếc là một công việc cấp bách, nếu thi tuyển kiến trúc sẽ mất nhiều thời gian, có khi mất 5 năm mới xong và hiện nay chưa có hành lang pháp lý, chưa có đơn giá để làm việc này. Trong khi Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ sắp có hiệu lực đã bỏ phần hướng dẫn thi tuyển kiến trúc. Hơn nữa, cạnh cầu Rạch Chiếc (phía bên trái theo hướng từ Sài Gòn ra Thủ Đức) sẽ còn có đường métro cao đến 13m, nên có thi kiến trúc cũng vô nghĩa.

 

Ông Sơn cho biết, Sở GTCC sẽ có văn bản trình UBND thành phố, đề nghị không tổ chức thi kiến trúc cầu Rạch Chiếc và chỉ nên cho thi tuyển thiết kế lan can, đèn chiếu sáng và công viên dưới cầu. Nếu được UBND TP đồng ý, thì khoảng 1 tháng rưỡi sau, Sở GTCC sẽ trình UBND TP bản thiết kế cơ sở của dự án cầu Rạch Chiếc mới, với 10 làn xe.

 

Tải trọng của cầu cũ giảm còn 20 tấn

 

 

TPHCM: Cầu Rạch Chiếc sắp sập!  - 1
 

Phối cảnh cầu Rạch Chiếc mới với 10 làn xe.

 

 

Tại cuộc họp ngày 25/10, ông Nguyễn Việt Sơn đã đưa ra phương án làm thêm 1 chiếc cầu tạm nữa, tải trọng khoảng 2,5 tấn dành cho xe gắn máy và các xe thô sơ lưu thông, nằm bên cạnh 2 chiếc cầu bailey, tạo thành 3 làn xe 1 chiều, theo hướng từ cầu Sài Gòn đi Thủ Đức; chiều ngược lại sẽ lưu thông trên cầu Rạch Chiếc hiện hữu. Như vậy, phương án sử dụng cầu tạm sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đối với cầu Rạch Chiếc. KQLGTĐT số 2 cũng đang triển khai thực hiện dự án đảm bảo giao thông đường song hành xa lộ Hà Nội (đoạn qua cầu tạm Rạch Chiếc), dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12/2006.

 

Trong khi chờ xây dựng cầu Rạch Chiếc mới, KQLGTĐT số 2 đã thuê đơn vị tư vấn là Chi nhánh Công ty tư vấn triển khai công nghệ và xây dựng giao thông lập dự án sửa chữa, gia cường cầu Rạch Chiếc hiện hữu. Ngày 25/10, đại diện đơn vị tư vấn khi báo cáo Sở GTCC phương án sửa chữa đã cho biết, cầu Rạch Chiếc hiện nay rất yếu, tải trọng chỉ còn 20 tấn (trước đây là 25 tấn), với yêu cầu khoảng cách xe qua cầu là 30m.

 

Trong khi theo ông Nguyễn Việt Sơn, hiện chưa kiểm toán được lượng xe qua cầu có tải trọng là bao nhiêu, nhưng tuyến này vẫn có xe tải nặng 50 tấn chạy qua cầu! Do vậy, việc sửa chữa, gia cường là cấp bách. Phương án sửa chữa, gia cường được đơn vị tư vấn đề xuất thực hiện là căng cáp chịu lực, đồng thời sửa chữa mố, trụ và các vết nứt của dầm cầu.

 

Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho rằng, đây là dự án đặc thù và phức tạp, hiện có rất ít đơn vị tư vấn thực hiện công tác thiết kế nên công tác lập dự án sửa chữa bị chậm so với tiến độ đã dự kiến. Theo dự kiến, việc sửa chữa cầu sẽ khởi công vào tháng 1/2007, hoàn thành vào tháng 3/2007.

 

Trong thời gian chờ sửa chữa cầu, KQLGTĐT số 2 đã cho thảm bê tông nhựa nóng trên cầu để xe lưu thông không bị dằn sóc, tránh tạo lực “búa đóng” nguy hiểm cho cầu.

 

Theo M.V

Thanh Niên