TPHCM: Bắt đầu bồi hoàn vụ "điện kế điện tử"
Hôm nay 19/12, Công ty điện lực TPHCM bắt đầu ra quân thay thế các điện kế điện tử (ĐKĐT) 1 pha LTE66 bằng điện kế cơ và bồi hoàn tiền điện cho người dân. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó giám đốc Công ty điện lực TPHCM, người chỉ huy "chiến dịch" này cho biết.
Thưa ông, kế hoạch sẽ triển khai như thế nào?
Tất cả đã sẵn sàng. Chúng tôi đã chuẩn bị việc này từ 4 tháng nay. Các phương án đã được bàn bạc kỹ và triển khai đến 15 Điện lực khu vực trong thành phố. Ngày 19/12 là ngày đầu tiên ra quân. Đối với 35.446 ĐKĐT đã thay trong quá trình xử lý khiếu nại từ tháng 8/2005 đến nay, chúng tôi sẽ tiến hành thu thập số liệu, đưa qua máy tính xử lý rồi tiến hành bồi hoàn ngay. Dự kiến đến 31/3/2006 là xong.
Số ĐKĐT còn lại là 255.836 cái thuộc diện phải gắn đối chứng, chúng tôi sẽ lần lượt thực hiện cho những khách hàng có nhu cầu thay ngay. Những khách hàng còn lại sẽ thực hiện theo kế hoạch trên nguyên tắc khu vực nào lắp trước sẽ thay trước.
Sau đó, trong thời gian từ 1 - 3 tháng, chúng tôi sẽ cùng với khách hàng chốt chỉ số và tính sai lệch làm cơ sở cho việc tính toán thoái hoàn. Chúng tôi sẽ huy động hơn 700 nhân viên, làm cả thứ bảy và chủ nhật để chạy kịp kế hoạch đề ra; phấn đấu hoàn thành dứt điểm vào 30/10/2006, đến tháng 11/2006 là có thể tổng kết.
Có thông tin cho rằng, khi gắn ĐKĐT thì Công ty điện lực TPHCM tự động làm còn khi thay điện kế này người dân phải làm đơn?
Có một sự ngộ nhận ở đây. Trong thời điểm chờ Chính phủ chấp thuận các phương án xử lý, một số hộ dân đã đề nghị thay ngay cho họ điện kế khác. Vì là đề nghị nên người dân đã làm giấy để chúng tôi căn cứ vào giấy này mà tiến hành thay điện kế mới.
Còn bây giờ, chẳng những dân không phải làm đơn mà chúng tôi còn phải đến xin lỗi, thay điện kế mới và trả lại tiền thoái hoàn (nếu có).
Người dân sẽ phải chuẩn bị gì cho việc thay ĐKĐT? Cụ thể nhân viên điện lực sẽ làm gì?
Người dân không cần phải chuẩn bị gì cả. Nhân viên điện lực sẽ đến nhà khách hàng gửi thư thông báo, thỏa thuận kế hoạch thực hiện kèm theo lời xin lỗi. Họ sẽ giải thích rõ ràng chủ trương của Bộ Công nghiệp là thay toàn bộ ĐKĐT bằng điện kế cơ đạt chất lượng, đã qua kiểm định, đạt các yêu cầu pháp lý về đo lường.
Đồng thời sẽ gửi luôn cho người dân một tờ rơi giải thích cách tính toán sai số điện kế và cách thức tính tiền bồi hoàn, có ví dụ cụ thể; có ghi 3 số điện thoại nóng để giải đáp các thắc mắc của người dân. Sau đó, nhân viên điện lực và người dân sẽ thỏa thuận hẹn ngày để thay điện kế mới.
Ông có thể nói rõ hơn về cách thức trả tiền bồi hoàn?
Tiền bồi hoàn sẽ được nhân viên ngành điện mang đến tận nhà khách hàng để trả lại. Nếu không gặp khách hàng, chúng tôi sẽ có thư hẹn khách hàng đến quầy thu ngân để nhận. Tiền bồi hoàn được trả kèm theo hóa đơn tiền thoái hoàn có các bảng kê chi tiết. Tiền bồi hoàn cũng tính cả tiền lãi ngân hàng trong thời gian khoản tiền dư của khách hàng phát sinh.
Nếu người dân muốn tiếp tục sử dụng ĐKĐT đang dùng thì ngành điện sẽ xử lý như thế nào?
Trách nhiệm của nhân viên điện lực đến nhà khách hàng phải giải thích rõ chủ trương của Chính phủ và Bộ Công nghiệp là phải thay hết toàn bộ ĐKĐT LTE66. Nếu người dân có đề nghị này thì phải kiên trì giải thích. Nếu họ vẫn bảo lưu ý kiến thì chúng tôi phải tôn trọng ý kiến người dân, yêu cầu họ ghi ý kiến vào biên bản và chúng tôi sẽ thống kê lại, báo cáo cấp trên chỉ đạo giải quyết.
Ông cho biết điện kế mới là điện kế gì, hoạt động ra sao, kiểm định chất lượng thế nào?
Điện kế mới là điện kế cơ hiệu Emic mà người dân đã quen dùng trước đây. Các điện kế này được kiểm định chặt chẽ thông qua các cơ quan: Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3, Chi cục Đo lường chất lượng TPHCM, Trung tâm Thí nghiệm điện của Công ty điện lực 2 và Trung tâm Thí nghiệm điện (thuộc Công ty điện lực TPHCM).
Nếu người dân cảm thấy chưa an tâm và đề nghị kiểm định độc lập, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để họ đến một trung tâm kiểm định độc lập để xác định lại. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị đủ điện kế cơ để thay.
Theo Trần Hùng - Hùng Sơn
Báo Thanh niên