TP Huế: Du khách khổ vì ăn mày
(Dân trí) - Giống như nhiều thành phố du lịch khác, ở Huế có một “đội quân” ăn xin vô cùng hùng hậu: người nghèo, người già, người tàn tật, người nhỡ độ đường, trẻ em, người ốm đau bệnh tật,… Những cảnh xin ăn, vòi tiền đang dần lấn át đi một hình ảnh Huế - TP du lịch thân thiện.
“Công nghệ làm khổ” du khách
Cứ đi lòng vòng trong lòng TP Huế, thế nào bạn cũng gặp một ông cụ dắt chiếc xe đạp “thủng lốp”, buông những lời thảm thương: “Tôi ở Bình Điền xuống thăm con, chẳng may xe bị thủng lốp, mong anh chị thương tình cho mấy đồng vá xe về cho kịp ngày”.
Chị Hoa, một du khách đến từ Hà Nội, kể: “Tôi mới đến đây, thấy thế thương lắm. Hôm qua đã cho ông ấy mấy ngàn rồi vậy mà hôm nay lại gặp tiếp ở đây”. Thực tế, cụ ông thủng lốp này cũng chỉ là một dạng biến thể của “cái bang” hết xăng đang đầy rẫy ở Hà Nội.
Nhưng trò xin tiền này vẫn còn “lịch sự” chán. Sợ nhất là những kẻ liều lĩnh xông thẳng vào những nhà hàng sang trọng, nơi các du khách đang ăn uống, trò chuyện để chèo kéo, chìa ra những thân thể bẩn thỉu, rách rưới hết chỗ nói. Nhiều du khách rút tiền ra cho xong cũng đứng lên luôn, không thể ăn tiếp được nữa.
Một bà chủ kinh doanh ăn uống trên đường Võ Thị Sáu bức xúc: “Một buổi không biết bao nhiêu người vào quán tôi xin tiền khách, đuổi họ thì họ đứng ngoài quán. Nhiều khi quán ế ẩm vì quá nhiều ăn mày”.
Có nhiều phụ nữ ôm theo một đứa trẻ nheo nhóc, buông những lời nỉ non: “Tôi quê ở Quảng Trị, đưa con vào đây chữa bệnh nhưng không đủ tiền nhập viện, mong bà con giúp đỡ”. Nhiều người dù biết đang bị lừa vẫn không thể cầm lòng trước cảnh đứa trẻ quá nheo nhóc nên vẫn rút tiền ra cho.
Rồi những thanh niên khoẻ mạnh, cùng với cây đàn, vừa đi vừa hát, vừa ngả mũ xin tiền ở các khách sạn, nhà hàng, quán ăn. Hay những đứa trẻ kéo nhau đi từng đoàn để xin tiền, kể khổ nhà nghèo, không được học hành,… Nói chung, đánh vào lòng trắc ẩn của người đi đường là một cách “ưa dùng” của các “cái bang” Huế.
“Không xin lấy gì mà ăn?”
Vấn nạn ăn xin đang làm xấu đi hình ảnh một thành phố Huế mộng mơ trong mắt du khách. Một khách du lịch đến từ Đà Nẵng cho hay: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chỉ ở Huế mới thấy những người ăn xin đông như vậy”.
Được biết tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, TPHCM,… đã có biện pháp tập trung những người cơ nhỡ, người nghèo, người không nghề nghiệp, người tàn tật lại, tạo công ăn việc làm cho họ. Giải pháp này không những giàu tính xã hội mà còn mang tính nhân văn cao.
Thay cho lời kết, xin trích lời một cháu bé đang ngồi vất vưởng ở một cây xăng trên đường Hùng Vương: “Cháu cũng muốn đi học lắm! Đi xin như thế này khổ quá. Nhưng cha mẹ cháu nghèo, không đi xin thì lấy gì mà ăn!”.
Viết Lam