Tổng thống Nga Putin sắp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
(Dân trí) - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Putin sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong ngày 19-20/6.
Thông tin được Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chiều 17/6.
Đây là lần thứ 5 ông Putin có chuyến thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Nga. Những lần trước đó vào các năm 2001, 2006, 2013 và 2017.
Việt Nam - Liên bang Nga chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950. Từ đó đến nay, hai nước thường xuyên duy trì và thúc đẩy mối quan hệ với độ tin cậy cao.
Ngày 1/3/2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Đến năm 2012, hai bên ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong hai năm 2019-2020, hai nước tổ chức năm chéo Việt - Nga, Nga - Việt nhân 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020), được tiếp tục trong năm 2021.
Quan hệ chính trị Việt - Nga luôn có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Từ năm 2020, bất chấp tác động của dịch Covid-19, tiếp xúc cấp cao song phương vẫn được duy trì thường xuyên thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa tất cả các lãnh đạo chủ chốt của hai nước.
Hai bên cũng duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng…
Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp cục, vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
Hợp tác kinh tế - thương mại hai nước thời gian qua phát triển năng động, nhưng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng hai nước.
Năm 2022, kim ngạch song phương chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm mạnh 37% so với năm 2021. Đến năm 2023, tình hình có dấu hiệu phục hồi khi kim ngạch đạt 3,63 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, thiết bị điện tử, dệt may, giày dép, nông, thủy, hải sản các loại. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: than đá, lúa mì, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại…
Ở lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 4/2024, Nga đứng thứ 28 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 186 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 984,98 triệu USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Việt Nam hiện có 18 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga đứng thứ 4/80 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có vốn đầu tư, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội - Moscow...
Thời gian qua, hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được đẩy mạnh. Trong khi đó, năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nga hiện có khoảng 60.000-80.000 người, đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga trong ba thập kỷ; có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện.
Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội Doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh, Hội Sinh viên tại Moskva, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội Võ thuật, các hội đồng hương…
Trong giáo dục và đào tạo, trước đây Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.
Hiện Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực và tăng số học bổng cho Việt Nam lên 1.000 suất/năm kể từ năm 2019. Hiện nay có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.