1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tổng Thanh tra Chính phủ: Xoá “vùng cấm”, thưởng thích đáng người tố tham nhũng

(Dân trí) - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh giải pháp tăng cường cơ chế bảo vệ, khuyến khích khen thưởng thích đáng người tố cáo tham nhũng và xoá bỏ mọi vùng cấm để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực chống tham nhũng của Đảng, nhà nước.

Đây được xem là những cam kết của cơ quan “gác đền” tại cuộc toạ đàm "Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” diễn ra hôm qua, 9/12 - đúng dịp kỷ niệm ngày quốc tế phòng chống tham nhũng.

Tại cuộc tọa đàm, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho biết chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng năm nay là “Phá vỡ chuỗi tham nhũng”.

“Tham nhũng gây tổn hại cho tất cả chúng ta. Ngăn chặn tai họa này và tìm cách lấy lại những gì đã mất là trách nhiệm của mọi người. Các chính phủ và công chúng đều có vai trò then chốt trong chống tham nhũng, phải tiếp tục kiên định để phá vỡ chuỗi tham nhũng” - ông Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh.

Ông Bakhodir Burkhanov dẫn lại kết quả khảo sát chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014 ở Việt Nam, cứ 4 người Việt Nam thì có một người cho rằng tham nhũng đang là vấn đề kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất, để khẳng định vai trò của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và đại diện UNDP chủ trì cuộc toạ đàm.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và đại diện UNDP chủ trì cuộc toạ đàm.

Trong khi đó, bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam (TI), cho rằng dân chúng là những người chịu tác động trực tiếp và nhiều nhất bởi tham nhũng.

“Mọi nỗ lực chống tham nhũng đều không thể thành công nếu không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và có sự tham gia của người dân” - bà Nga bày tỏ.

"Dân thường là những người chịu tác động trực tiếp và nhiều nhất bởi tham nhũng, vừa là nạn nhân, đồng thời có phần trách nhiệm trong các hành vi tham nhũng", bà Nga nhận định mọi nỗ lực chống tham nhũng đều không thể thành công nếu không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của dân, và có sự tham gia của người dân.

Theo TI, người dân có thể góp phần chống tham nhũng bằng cách nói lên những vấn đề bức xúc cần thay đổi ở ngay cộng đồng của mình, tố cáo các hành vi tham nhũng, giám sát và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, góp ý kiến xây dựng luật pháp, chính sách, tham gia vận động, tuyên truyền, khuyến khích bạn bè, người thân liêm chính, và quan trọng nhất, bản thân không tham gia các hành vi tham nhũng và không tư lợi.

Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận thực tế hiện nay, phần đông người dân ngại tố cáo tham nhũng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ khoảng hơn 30% người dân Việt Nam sẵn sàng tố cáo, trong khi các nước cùng khu vực dao động khoảng 60%-70%. “Người dân không tin tưởng vào cách giải quyết của cơ quan nhà nước và sợ bị trả thù, trong khi quy định về việc bảo vệ họ còn chung chung, khó thực hiện” - bà Nga nhận xét.

Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) tại Việt Nam Zhuldyz Akisheva chia sẻ kinh nghiệm của một số nước về bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng, như thưởng tiền cho người tố cáo, bảo vệ người tố cáo và cả người thân của họ...

Đồng tình với những nhận định trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định, phòng, chống tham nhũng không còn được coi là nhiệm vụ của riêng Chính phủ. Người dân giờ đây không còn thụ động, e ngại, chỉ ngồi quan sát và bình luận về những gì mà các cơ quan nhà nước đang làm, mà đã thực sự chủ động tham gia tích cực vào những nỗ lực phòng, chống tham nhũng chung của cả hệ thống chính trị bằng những hành động rất thiết thực và có tính lan tỏa cao.

Tổng Thanh tra Chính phủ nêu nghịch lý, dù quyết tâm chính trị của Việt Nam rất cao, Đảng, nhà nước tuyên chiến mạnh mẽ với tham nhũng nhưng kết quả cuộc chiến mới chỉ đạt được ở bước đầu, rất hạn chế. Nhấn mạnh còn nhiều việc phải làm, ông Tranh cho rằng, hướng triển khai quyết định thành công của cuộc đấu tranh với quốc nạn là làm sao để phát huy hơn nữa vai trò của người dân và các tổ chức.

Nhóm giải pháp về sự tăng cường tham gia của người dân, xã hội dân sự, theo đó, đã được Thanh tra Chính phủ xây dựng, báo cáo và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Đó là 1 trong 9 giải pháp sẽ được tập trung hơn nữa trong năm 2015. Ngành thanh tra sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về luật PCTN; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để người dân dễ dàng tiếp cận hơn; đẩy mạnh cơ chế giám sát phản biện, tổ chức các kênh để người dân các khu vực tham gia sáng kiến chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và có hình thức khuyến khích khen thưởng thích đáng.

“Ngoài ra, cơ quan nhà nước sẽ đảm bảo việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, xoá bỏ mọi vùng cấm trong PCTN. Làm tốt việc này cũng là để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng" - Tổng Thanh tra CP khẳng định.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm