1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tổng khởi nghĩa qua ký ức cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

(Dân trí) - “68 năm đã trôi qua nhưng không khí sôi nổi, hào hùng của ngày “bạo lực chính trị” - Cách mạng Tháng 8/1945 vẫn in đậm trong tôi. Hàng vạn người dân Thủ đô xuống đường chiếm tất cả các cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn chỉ trong vòng một ngày”.

Đó là những dòng ký ức không thể nào quên của ông Lê Đức Vân (85 tuổi) trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, diễn ra trên mọi ngả đường ở Hà Nội. Ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc) là cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (thành lập cuối năm 1944). Ngày đó, dù còn rất trẻ nhưng ông Vân (đại diện cho thanh niên cứu quốc) đã là một trong 9 người dự cuộc họp kéo dài suốt đêm ngày 17 đến rạng sáng 18/8/1945, do Thành ủy Hà Nội và Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội tổ chức đi đến quyết định khởi nghĩa.
Ông Lê Đức Vân - cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu
Ông Lê Đức Vân - cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi nhắc lại những câu chuyện của ngày tháng lịch sử hào hùng ấy, ông Vân nhớ rõ từng chi tiết nhỏ. “Những ngày này anh em cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu thường ngồi lại với nhau ôn lại câu chuyện cũ hay khi kể lại cho con cháu nghe diễn biến khởi nghĩa ở Hà Nội tôi thấy rạo rực lắm. Tất cả không khí sôi nổi của cuộc cách mạng trong ký ức cứ ùa về…”, ông Vân nói.

Ông Vân là cựu học sinh trường Bưởi, sớm tham gia các phong trào cách mạng. Khi trường Bưởi phải sơ tán, ông Vân cùng nhiều học sinh khác ở lại Hà Nội chiến đấu. Nhiệm vụ những ngày đầu tham gia cách mạng của ông Vân là làm tin, in ấn và phát hành một tờ báo. Tháng 6/1945, ông Vân được giao phụ trách toàn bộ Thành đoàn Hà Nội.

“Để mở rộng phong trào Việt Minh ở Hà Nội chúng tôi thường xuyên đối mặt với nguy hiểm nên phải tổ chức những cuộc diễn thuyết chớp nhoáng ở những nơi đông người như chợ, xí nghiệp…”, ông Vân nhớ lại.

Theo ông Vân ngày 17/8/1945 có ý nghĩa quyết định Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 tại Hà Nội. Hôm đó, Tổng hội Công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn. Hàng vạn người dân kéo đến xem cuộc mít tính.

Trong khi đó, ngay từ đầu ta có chủ trương phá cuộc mít tinh đó nên đã huy động tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự. Khi đi thành viên nào cũng phải mang theo cờ đỏ sao vàng đứng xen lẫn với nhân dân.

“Ban tổ chức của Tổng hội Công chức mới tuyên bố khai mạc, anh Lê Phan nhảy lên khán đài cướp micro đưa cho chị Từ Như Trang báo tin Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và hô hào nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó 500 anh em ở dưới phất lá cờ đỏ sao vàng lên, đồng thời một lá cờ rất to buông từ tầng 2 Nhà hát Lớn xuống…”, cựu thanh niên cứu quốc nhớ như in từng chi tiết.

Ở quảng trường Nhà hát Lớn lúc đó mọi người dân đều đồng loạt hô: ủng hộ Việt Minh, đảo đảo chính phủ bù nhìn, Việt Nam độc lập! Trước một lực lượng ủng hộ cách mạng như vậy, ban tổ chức của Tổng hội hoàn toàn “chết lặng”.

Sau đó, một thành viên của Đội danh dự Trường Giang lấy ở trong người ra một lá cờ rất to, phất lên cao và hô “đồng bào theo chúng tôi, đồng bào theo chúng tôi” và dẫn dòng người nhằm hướng Tràng Tiền tiến lên. Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng… Đi qua Chủ tịch Phủ, chỉ cách Tư lệnh quân Nhật đóng khoảng 200 mét, nhưng quân địch không có phản ứng gì.

Sau đó, đoàn người tiếp tục đi đến Cửa Nam rồi dừng lại khi nghe vài tiếng súng bắn chỉ thiên. Từ đây, đoàn người chia làm 6 - 8 nhóm nhỏ diễu hành về các tuyến phố vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: ủng hộ Việt Minh, đảo đảo chính phủ bù nhìn, Việt Nam độc lập! Cứ thế, cuộc tuần hành kéo dài đến khoảng 20h mới tan.

“Trừ trẻ em, người già còn tất cả người dân Hà Nội đều tham gia cuộc diễu hành. Đoàn người đi đến đâu, nhân dân phố đó tiếp tục ra nhập vào. Điều đặc biệt kể cả lính bảo an và cảnh sát của chính phủ bù nhìn cũng buông súng đi theo. Trước cuộc biểu tình như vũ bão, tôi không còn nghĩ mình là người phụ trách gì nữa chỉ biết hò hét theo dòng người”, ông Vân cho hay.

Trước tình hình như vậy, Thành ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội tiến hành họp gấp. Thành phần họp lúc đó gồm 9 người trong đó có ông Vân là đại diện cho thanh niên cứu quốc. Cuộc họp kéo dài từ 21h ngày 17 đến rạng sáng ngày 18/8 đã quyết định khởi nghĩa ngay ngày 19/8. Cuộc họp cũng phân công ông Vân đảm trách tổ chức khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội.

Sau một ngày chuẩn bị, sáng sớm 19/8, lực lượng cách mạng ở ngoại thành tổ chức cuộc mít tinh và tiến lên chiếm Đại lý Hỏa Long (chính quyền quản tất cả các xã ngoại thành Hà Nội). Sau đó, đoàn người tiến về Nhà hát Lớn tham dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có, nghe đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa!

Đoàn người nhanh chóng chia thành hai mũi đi chiếm Trại Bảo an binh và phủ Khâm Sai. Tại phủ Khâm Sai - cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn, lính bảo an nhanh chóng hạ vũ khi mà không có bất kỳ kháng cự nào. Còn tại Trại Bảo an binh, dù không chống đối nhưng lính bảo an cũng không chịu ra mở cửa. Hơn nữa, bên ngoài 4 xe tăng của Nhật canh ở 4 góc luôn chĩa súng vào ta. Trong tình thế nguy cấp ta phải cử người đi gặp tư lệnh quân Nhật ở Hà Nội để thương lượng. Sau đó, Nhật rút xe tăng ta chiếm Trại Bảo an binh, phá kho súng phát cho tự vệ.

“Đến khoảng 18h, toàn bộ cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn ở Hà Nội bị ta chiếm giữ. Cuộc cách mạng thắng lợi, chúng ta không phải đổ máu nhưng có được điều đó chúng ta đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước”, ông Vân cho biết.

Quang Phong