Tổng cục trưởng Môi trường nói về những "điểm mới", "mang tính đột phá"
(Dân trí) - Với rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức, hành động trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 2020 là năm kết thúc của nhiệm kỳ 2016 - 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã đạt những kết quả tích cực trên nhiều mặt.
Vấn đề môi trường được đặt ở vị trí trung tâm
Tổng cục Môi trường đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực tối đa để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
"Lần đầu tiên, luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành hành lang pháp lý cơ bản về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là bảo đảm chất lượng môi trường sống để bảo vệ sức khỏe người dân, thay đổi phương thức quản lý theo hướng bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các công cụ quản lý môi trường, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao"- ông Tài cho hay.
Đồng thời, luật quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo suốt vòng đời của dự án đầu tư phát triển, bắt đầu từ khâu quy hoạch, xem xét chủ trương, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án cho đến khi vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kết thúc hoạt động.
"Với rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức, hành động trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm vấn đề môi trường cùng với kinh tế, xã hội phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế để thực hiện phát triển bền vững đất nước"-ông Tài khẳng định.
Chỉ số hài lòng của người dân tăng dần qua từng năm
Đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường từ chỗ còn bị động, lúng túng trong xử lý, giải quyết các vụ việc, sự cố về ô nhiễm môi trường, đến nay đã thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các vấn đề môi trường, chủ động phối hợp với các địa phương, tổ chức liên quan trong việc xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường.
Theo đó đã thành lập và duy trì 12 Tổ giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao để đảm bảo các dự án này hoạt động an toàn về môi trường, có đóng góp cho tăng trưởng. Phối hợp, thúc đẩy đầu tư lắp đặt 867 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát; thành lập và duy trì hiệu quả Đường dây nóng về môi trường xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương để nắm bắt, giải quyết các vấn đề ô nhiễm phát sinh ngay từ cơ sở.
Tổng cục Môi trường cũng đã chủ động, kịp thời tham mưu Bộ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường quản lý chất thải rắn; kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và ô nhiễm không khí.
Kết quả là đã tập trung kiểm soát 20 - 30% các đối tượng có nguy cơ ô nhiễm cao qua đó kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường; giải quyết dứt điểm hơn 1.000 kiến nghị, phản ánh nhận được qua đường dây nóng (chiếm khoảng 66%); đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương.
"Nhờ đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tăng dần qua từng năm"-ông nói.
Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung được đưa vào vận hành tại các địa phương, một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã đầu tư và xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải rắn có quy mô lớn.
Trong 5 năm qua, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng; tỷ lệ phải chôn lấp giảm; chất thải nguy hại được kiểm soát, quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý.
Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đã đạt 13% (tăng khoảng 6% so với năm 2016); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (tăng 7% so với năm 2016), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66% (tăng 15% so với năm 2016); tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 85% (tăng khoảng 6% so với năm 2017); hoàn thành xử lý triệt để 340/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (tăng 30,2% so với năm 2016).
Vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề còn tồn đọng
Tuy vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thừa nhận đến nay công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Môi trường đã và đang chịu áp lực lớn do sự gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động của các nguồn ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Nhiều vấn đề môi trường còn tồn đọng, chưa được giải quyết, nhất là những vấn đề mô trường gắn với số đông dân cư như ô nhiễm không khí tại các đô thị, thành phố lớn. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn; nước thải sinh hoạt đô thị, làng nghề, cụm công nghiệp.
"Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng; các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen"-ông Tài cho hay.