Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn "ngoại giao cây tre Việt Nam"
(Dân trí) - Khái niệm, hay trường phái "Ngoại giao cây tre Việt Nam" được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên lần đầu tiên trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021).
Đây là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Thành tựu của công tác đối ngoại/ngoại giao Việt Nam những năm qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó nhân tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dấu ấn ngoại giao bản sắc Việt Nam
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ, sinh thời Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh yêu cầu cần xây dựng một nền ngoại giao toàn diện hiện đại, mang "bản sắc cây tre Việt Nam".
Luận giải về "bản sắc cây tre Việt Nam", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng cho rằng cây tre luôn có 3 phần: gốc, thân và ngọn. Gốc đặc thù cây tre là gốc rất chắc, bám rễ rất chặt và hình tượng gốc tre bám rễ đó phản ánh tư tưởng, văn hóa truyền thống ngàn đời của Việt Nam, đó là tư tưởng hòa hiếu. Tư tưởng này đã được thể hiện trong hoạt động đối ngoại-ngoại giao của Việt Nam trong nhiều thời kỳ, trong đó có ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh qua các giai đoạn 1945-1946, Hội nghị Geneva, Hội nghị Paris và tiếp tục cho đến hôm nay.
Còn thân cây tre thể hiện lợi ích quốc gia dân tộc, quan điểm của chúng ta về thế giới, cho nên thân phải gắn vào gốc rất vững chắc. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng nhấn mạnh, thân phải bền, đủ để giữ cho cây tre đứng, nhưng đồng thời giúp cho ngọn cây tre uyển chuyển. Ngọn uyển chuyển chính là nghệ thuật ngoại giao "dĩ bất biến ứng vạn biến".
"Đó là ngoại giao mà chúng ta giữ cái gì và nhân nhượng gì trong những đàm phán quốc tế. Đàm phán quốc tế bây giờ không chỉ liên quan đến chính trị, quân sự, không chỉ biên giới mà còn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trên cơ sở đó, chúng ta phải hiểu được tinh thần này, mới có thể phát huy được tất cả những truyền thống ngoại giao và bản sắc ngoại giao của Việt Nam", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng chia sẻ.
Nhìn lại thành tựu đối ngoại-ngoại giao Việt Nam thời gian qua dưới đường lối đối ngoại của Đảng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu, ông Dương Văn Quảng cho rằng ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, với cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và hội đàm với ông chủ Nhà Trắng tại trụ sở Trung ương Đảng, một điều cũng chưa từng có tiền lệ.
Cũng trong năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Tháng 6/2024 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng, trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay, các cường quốc đang cạnh tranh nhau rất gay gắt, theo đuổi những quan điểm và chính sách rất khác nhau. Ông cho rằng trong những mối quan hệ phức tạp như vậy, Việt Nam có quan hệ tốt và mời được lãnh đạo cả ba nước lớn đến thăm thể hiện bản sắc của "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Người nâng tầm ngoại giao Việt Nam
Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, trong thời gian qua, đặc biệt là sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, chúng ta tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới. Và muốn hội nhập sâu rộng, chúng ta phải có những điểm, những nét cơ bản để thế giới ghi nhận. Và một trong những thành công nhất là chúng ta hội nhập với thế giới nhưng không phai nhạt màu sắc chính trị.
Chúng ta vẫn giữ ổn định chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn và luôn được thế giới khâm phục trước những thành tựu đạt được.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, sự lãnh đạo của Đảng với đường lối chính sách đối ngoại, "ngoại giao cây tre", uyển chuyển nhịp nhàng, muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới đã chinh phục thế giới và chứng minh rằng chính sách đối ngoại của chúng ta rất thành công.
Để có được những thành công to lớn như vậy, theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn là nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu và sự đoàn kết toàn dân.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất mong muốn đối ngoại/ngoại giao của Việt Nam nói chung, trong đó ngành Ngoại giao nói riêng phải tiến lên chính quy hiện đại, từng bước hiện đại hóa, chuẩn hóa cán bộ ngoại giao ngang tầm thế giới.
Chia sẻ về những kỷ niệm tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho biết khi ông làm Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, đã vinh dự được đón Tổng Bí thư sang thăm chính thức Liên bang Nga. Tổng thống Putin lúc bấy giờ đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Liên bang Nga cũng đánh giá Việt Nam rất hiệu quả trong hội nhập với thế giới và được bạn bè quốc tế tôn trọng.
Đại sứ Lê Văn Bàng, nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, ông rất hân hạnh được gặp và nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến và phát biểu tại Bộ Ngoại giao nhiều lần. Những lời căn dặn, bài viết của Tổng Bí thư đối với ngành ngoại giao, nhất là về phát huy trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam", là cẩm nang mà những người làm ngoại giao sẽ ghi nhớ mãi.
Theo Đại sứ Lê Văn Bàng, quan điểm của Tổng Bí thư về "ngoại giao cây tre Việt Nam" là sự đúc rút từ trong quá trình lịch sử ngoại giao của dân tộc để rút ra khái niệm "ngoại giao cây tre" rất cứng cáp nhưng cũng rất mềm dẻo. Và thực tế hiện nay, quan điểm của Tổng Bí thư về "ngoại giao cây tre Việt Nam" rõ ràng đã đưa ngoại giao Việt Nam lên tầm cỡ quốc tế. Nhiều nước đã bày tỏ mong muốn chúng ta chia sẻ kinh nghiệm đối ngoại/ngoại giao.
Đề cập đến chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), Đại sứ Lê Văn Bàng nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng Bí thư là một chuyến đi lịch sử của hai nước, cũng như mang tầm quốc tế. Bởi đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam mà chính quyền Hoa Kỳ mời sang. Đó là một mốc lịch sử trong ngoại giao Việt Nam.
Sau này, Tổng Bí thư vẫn tiếp tục theo dõi cũng như đóng góp rất nhiều trong phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Năm 2023, Tổng Bí thư đón Tổng thống Biden và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ đó nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Với quan điểm và những hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Đại sứ Lê Văn Bàng cho rằng trong ngành ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người được những người làm ngoại giao luôn rất kính trọng và học tập.