Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình trao đổi điện mừng
(Dân trí) - Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hai nước Việt Nam và Trung Quốc trao đổi điện mừng, nhân kỷ niệm 74 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao đổi điện mừng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi điện mừng với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi điện mừng với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã trao đổi điện mừng với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra các ngày 30/10-1/11/2022.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân ngày 12-13/12/2023, hai bên ra tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%); trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD, nhập siêu 60,17 tỷ USD.
Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1%. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 trên thế giới tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,5 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 399 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Singapore). Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6 trên tổng số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.949 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25,8 tỷ USD.
Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam; riêng năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Từ tháng 2/2020, do dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn.
Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.