Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt

Hoài Thu

(Dân trí) - Chiều 12/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt để đánh giá về tình hình và kết quả công việc tháng 4-5 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các lãnh đạo chủ chốt, thời gian tới, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, chúng ta đang và sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề….

Bổ sung quy hoạch các cấp để chuẩn bị cho đề án nhân sự đại hội đảng

Trước hết, các lãnh đạo chủ chốt quán triệt cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm.

Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", cũng là nhiệm vụ được các lãnh đạo chủ chốt nhấn mạnh.

Nhiệm vụ tiếp theo được các lãnh đạo chủ chốt đề cập là tập trung làm tốt công việc chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 12/6 (Ảnh: TTXVN).

Các lãnh đạo chủ chốt yêu cầu hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng để trình Hội nghị Trung ương 10 theo kế hoạch; rà soát, bổ sung quy hoạch các cấp để chuẩn bị cho đề án nhân sự đại hội đảng.

Song song với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các lãnh đạo chủ chốt yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

Cùng với việc triển khai có hiệu quả công tác đối ngoại, các lãnh đạo chủ chốt nhắc cần làm tốt công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh, xử lý hiệu quả thông tin xấu, sai sự thật, thông tin chống phá của các thế lực thù địch...

Làm tốt công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh, xử lý hiệu quả thông tin xấu, sai sự thật, thông tin chống phá của các thế lực thù địch...

Ngoài ra, các lãnh đạo chủ chốt yêu cầu chấn chỉnh tình trạng một số cơ quan báo chí chấp hành không nghiêm quy định thông tin, tuyên truyền; đưa các tin, bài thiếu kiểm chứng, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.

Lãnh đạo chủ chốt nhấn mạnh cần thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo nhằm hạn chế những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiện toàn nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt

Trước đó, tại cuộc họp, các lãnh đạo chủ chốt đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực.

Nổi bật là việc tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 9; tổ chức Kỳ họp thứ 7 (đợt 1), Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là công tác cán bộ đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời, được dư luận cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình cao.

Chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội khóa XV và chức danh Thường trực Ban Bí thư khóa XIII cũng đã được kiện toàn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt - 2

Các lãnh đạo chủ chốt tại cuộc họp (Ảnh: TTXVN).

Trung ương cũng đã bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; kiện toàn nhân sự các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ ở Trung ương và một số ban chỉ đạo; kiện toàn và cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo một số cơ quan đảng, Nhà nước.

Về tình hình kinh tế - xã hội, các lãnh đạo chủ chốt đánh giá có chuyển biến tích cực khi kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; thu ngân sách Nhà nước tăng, tình hình tài chính - ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện.

Cùng với đó, tín hiệu tích cực cũng đến từ lượng khách quốc tế tới Việt Nam, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hay thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Lãnh đạo chủ chốt cho biết Chính phủ đã hoàn thành, phê duyệt Quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội; có nhiều giải pháp quyết liệt để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, phát triển nhà ở xã hội, bình ổn thị trường vàng, thị trường tín dụng.

Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 về " Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Công tác an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng được quan tâm.

Ngoài ra, theo các lãnh đạo chủ chốt, lĩnh vực kiểm tra, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động đối ngoại diễn ra thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam…