Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội chưa bao giờ có nguồn lực như hiện tại

Quang Phong

(Dân trí) - “Hà Nội chưa bao giờ có được nguồn lực, điều kiện, cơ hội, lợi thế để phát triển như hiện tại. Chính vì thế yêu cầu đặt ra với Hà Nội phải cao hơn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Sáng ngày 12/10, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Tới dự, phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông rất vui mừng được đến dự Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội - một đảng bộ lớn, có vị trí rất quan trọng của cả nước. Theo Tổng Bí thư, Đại hội XVII của TP Hà Nội là sự kiện chính trị rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng thời cũng thu hút sự quan tâm lớn của nhân dân cả nước.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thời gian qua, công tác chuẩn bị Đại hội XVII của Hà Nội đã rất công phu, bài bản, nghiêm túc và trách nhiệm, theo đúng tinh thần Chỉ thị 35, kết luận của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tập thể Bộ Chính trị đã nghe Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo công tác chuẩn bị và đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể để hoàn thiện các dự thảo văn kiện và phương án nhân sự trình đại hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội chưa bao giờ có nguồn lực như hiện tại - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Gợi mở thêm một số vấn đề cho Đại hội, Tổng Bí thư cho biết, Hà Nội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XVI với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm. TP đã đạt được nhiều thành quả trên các lĩnh vực, nổi bật là kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, ước tăng 7,39%; bình quân đầu người ước đạt 5420 USD, gấp 1,8 lần bình quân của cả nước; Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngách xuất khẩu của cả nước….

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, những kết quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những tiến bộ và thành tích đã đạt được, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đảng bộ TP Hà Nội vẫn còn không ít những hạn chế, khuyết điểm tồn tại. Đó là dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá nhưng nhìn chung chưa tạo được các đột phá lớn, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Thủ đô. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của TP chưa cao, hiện quả quản trị hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước…

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động chưa theo kịp thực tiễn, chưa đạt yêu cầu đề ra. “Đối với Thủ đô thì đây là vấn đề lớn lắm! Hôm trước tôi đã nói rồi, vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch thế nào, xây dựng thế nào, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn thế nào… chứ không phải chỉ là vấn đề kinh tế”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Những chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa, xã hội của Hà Nội cũng chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh thúc đẩy kinh tế xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Tình trạng tội phạm, an ninh trật tự trong xã hội trên địa bàn TP Hà Nội còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai chưa được kiên quyết xử lý kịp thời gây bức xúc dư luận. “Thậm chí còn để xảy ra một số vụ việc phức tạp kéo dài, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn gây hậu quả nghiêm trọng. Cái này làm xấu hình ảnh Thủ đô rất đáng tiếc!”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn thấp; tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một cấp ủy, tổ chức đảng chưa cao; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị xã hội ở một số cơ sở còn hạn chế, thậm chí hơi hình thức, nặng nề hiếu hỉ. Ý thực thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức viên chức chưa tốt gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Đây là những vấn đề mà Đảng bộ TP cần nghiêm túc nhìn nhận đánh giá khách quan, và tập trung có giải pháp khắc phục kịp thời hơn, kết quả tốt hơn. Nói điều này tôi không có ý chê trách hay chì chiết nặng nề gì với Hà Nội. Tôi rất thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của các đồng chí. Tôi cũng có thời gian công tác ở Hà Nội, cũng gần 10 năm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội chưa bao giờ có nguồn lực như hiện tại - 2

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra từ ngày 11-13/10. (Ảnh: Tuấn Mark)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan trung ương phải có trách nhiệm với Hà Nội vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia… Chúng ta phải thông cảm, chia sẻ lẫn nhau, có bản lĩnh có cách làm, có phương pháp thì mới đạt được hiệu quả” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói. Theo đó, ông cũng đề nghị các đại biểu của Hà Nội đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân, các khuyết  để rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra biện pháp đúng đắn, phù hợp, củng cố tăng cường niềm tin sự ủng hộ của cán bộ đảng viên và nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hà Nội chưa bao giờ có được nguồn lực, điều kiện, cơ hội, lợi thế để phát triển như hiện tại. “Chính vì thế yêu cầu đặt ra với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn. Vì sao? Bởi vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ của khí thiêng, hồn thiêng dân tộc, khí phách cha ông, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hoà bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; là “Thành phố vì hoà bình” và nay Hà Nội là “Thành phố sáng tạo”. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Do đó, cần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội.

Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thuỷ chung, trong sáng, lịch sự; Hà Nội cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, tăng cường quảng bá về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với bạn bè quốc tế, tạo tiền đề cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô, của đất nước ta trên trường quốc tế.

Đảng bộ Hà Nội cần đặc biệt chú trọng tiếp tục đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.