Tổng Bí thư: Cán bộ cần trọng dân, có trách nhiệm, không mị dân!
(Dân trí) - Nhấn mạnh yêu cầu với cán bộ Mặt trận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở tinh thần “trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, làm dân tin, không mị dân”.
Sáng 18/11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Tôi nêu câu hỏi nước nào có MTTQ mà nhiều người chưa trả lời được”
Tổng Bí thư nhắc lại tinh thần đoàn kết vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam, thứ làm nên sức mạnh được khơi lên trong thời đại Hồ Chí Minh để làm nên những chiến thắng chống ngoại xâm chấn động, thống nhất đất nước.
Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nhắc lại lịch sử hình thành, phát triển Mặt trận Tổ quốc từ ngày đầu Bác Hồ lập “Hội phản đế đồng minh”, “Mặt trận dân chủ Đông Dương”, “Mặt trận Việt Minh”… cho tới nay.
Theo đó, tổ chức tập trung khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã cùng Đảng lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đến năm 1977, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính thức có tên gọi hiện nay, tiếp tục cùng chung tay xây dựng đất nước, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
“Từ ngày thành lập đến nay, dù với nhiệm vụ nào, ở giai đoạn nào, Mặt trận đều thực hiện rất tốt, hoàn thành những chủ trương do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Mặt trận Tổ quốc đã góp phần thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục khó khăn xây dựng đời sống xã hội, khởi dậy khát vọng phát triển…” – Tổng Bí thư khái quát.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc tới những hoạt động lớn, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực như góp ý xây dựng, giám sát, phản biện chính sách, vận động vì người nghèo, chăm lo người có công, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Gần nhất, UB Trung ương MTTQ đã vận động, kêu gọi, tổ chức các lực lượng quần chúng chung tay chống dịch Covid-19. Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là biểu hiện sinh động của tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo đó, lãnh đạo Đảng biểu dương những nỗ lực, đóng góp, cống hiến to lớn của MTTQ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, khẳng định Mặt trận xứng đáng là tổ chức đại diện cho nhân dân, tổ chức từng 2 lần được tặng thưởng Huân chương sao vàng và hôm nay, tiếp tục nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Từ đó, Tổng Bí thư cũng đúc kết, chủ trương thành lập và lãnh đạo MTTQ của Đảng, 90 năm qua vẫn thể hiện sự đúng đắn khi vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lê nin trong điều kiện Việt Nam.
“Tôi từng nêu câu hỏi, có nước nào có hình thức Mặt trận như Việt Nam không mà nhiều người chưa trả lời được. Đây chính là sáng tạo lớn của Việt Nam. Chính vì tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân trong một mặt trận xung quanh Đảng nên dân ta luôn coi Đảng Cộng sản là Đảng của chính mình, luôn gọi là “Đảng ta” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Xoá bỏ mặc cảm lý lịch, gác lại quá khứ, chấp nhận khác biệt
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trên tinh thần thẳng thắn nhìn vào sự thật, những việc chưa làm được, Tổng Bí thư yêu cầu thừa nhận khuyết điểm. Thực tế, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Quyền lợi của các tầng lớp nhân dân chưa kịp thời được thể chế hoá, thực hiện thực chất trong cuộc sống. Hoạt động của tổ chức mặt trận các cấp nhiều nơi chưa sâu sát, có biểu hiện hành chính hoá. Công tác giám sát phản biện xã hội còn hạn chế…
Nói về những thành tựu to lớn đạt được sau 35 năm đổi mới, tạo cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ thách thức, khó khăn to lớn cả nước phải cùng đương đầu. Trong đó, ngoài những khó khăn mang tính khách quan của tình hình thế giới, Tổng Bí thư cũng lo lắng về những yếu tố chủ quan cần khắc phục: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, quá trình tự chuyển biến, tự chuyển hoá của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…. Theo Tổng Bí thư, đó là những nguy cơ gây mất ổn định xã hội, gây mất niềm tin của người dân, tác động xấu đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước thách thức to lớn, Tổng Bí thư nêu một số nhiệm vụ yêu cầu Mặt trận Tổ quốc cần tập trung thực hiện thời gian tới.
Trước hết là nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo sự thống nhất cao tư tưởng và hành động, kiên định tư tưởng, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, xây dựng đất nước. Đại đoàn kết, theo đó, là chủ trương, chiến lược bao trùm của toàn Đảng, toàn dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng.
“Cần quan tâm đến mọi nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận các cấp cần phát huy dân chủ, tinh thần tương ái, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, xoá bỏ mặc cảm về thành phần, lý lịch, giai cấp, gác lại quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của đất nước, dân tộc” – Tổng Bí thư quán triệt.
Thứ hai, Mặt trận cần làm tốt hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội, pháp huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, người giàu kinh nghiệm đóng góp cho các vấn đề quốc kế dân sinh. Làm tốt hơn nữa vai trò tập hợp lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cấp chính quyền, phản ánh những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở.
Tổng Bí thư lưu ý tinh thần luôn đối thoại, lắng nghe và tin tưởng người dân. Đó chính là cách làm Mặt trận trở nên thiết thực, hiệu quả.
Tiếp theo, Tổng Bí thư muốn Mặt trận Tổ quốc tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động theo hướng sâu sát hơn với dân, hướng về cơ sở, như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mặt trận cần nhắm vào việc chính để làm, tránh tình trạng việc gì cũng làm nhưng ít việc làm chu đáo”.
Yêu cầu tránh biểu hiện hình thức trong hoạt động, Tổng Bí thư nhắc nhở: “Phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Phải áp dụng triệt để nguyên tắc nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, đồng thời làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước, không mị dân”.