1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tôi vẫn “nghe” sự đổi thay ở quê nhà”

(Dân trí) - “Điều làm tôi băn khoăn nhất có lẽ là những bài báo nói về chuyện tiêu cực và tham nhũng ở Việt Nam gần đây. Tôi cũng như không ít kiều bào luôn hướng về Tổ quốc cảm thấy rất đau lòng cho những gì đã xảy ra. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng đất nước mình sẽ đổi thay...” - Giáo sư Phạm Gia Thụ tâm sự cùng Dân trí trong lần về Việt Nam nhận giải thưởng “Vinh danh đất Việt”.

Dù đã ở tuổi 62 nhưng TS Phạm Gia Thụ, Giáo sư thực thụ, Giám đốc phòng tính toán và xử lý hình ảnh ĐH Moncton, Canada trông vẫn rất phong độ. Dù vậy, trên nét mặt của ông luôn phảng phất nỗi buồn tư lự.

 

Tôi thấy lạc quan cho tương lai

 

Dù công việc rất bận, ông vẫn tranh thủ thời gian về nước để đóng góp cho quê hương. Nhưng hình như lần nào trở về, ông cũng có nhiều trăn trở?

 

Dù đã có chủ trương hòa hợp nhưng thật tình mỗi lần về nước, tôi cảm thấy hình như vẫn còn có sự ngăn cách giữa một vài cá nhân và bộ phận kiều bào với nước nhà. Hố ngăn cách này dù lớn hay nhỏ đều phải được lấp đi. Tôi cũng cảm thấy Việt Nam vẫn còn cần phải thay đổi rất nhiều để bắt kịp đà tiến bộ thế giới.

 

Dù trên thực tế vẫn có nhiều chuyện xảy ra không đẹp và ít nhiều tiêu cực, nhưng tôi nghĩ, nếu mình muốn trở về xây dựng đất nước thì không nên để những điều đó làm tâm hồn mình bị nặng nề. Hơn nữa, tôi vẫn luôn hy vọng vào những nhà lãnh đạo sáng suốt, có uy tín và năng lực để đưa đất nước theo kịp các nước phát triển.

 

Ông có lạc quan về những đóng góp của Việt kiều đối với công cuộc xây dựng đất nước?

 

Đội ngũ trí thức Việt Nam ở ngoại quốc rất đông đảo và chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực. Đa số họ rất lưu ý đến những gì đang xảy ra trong nước, rất muốn về thăm đất nước và được đóng góp (bất vụ lợi) ít nhiều, tùy theo khả năng. Cộng đồng kiều bào cũng vậy. Nhưng phần đông họ còn bận bịu với cuộc sống rất bon chen mỗi ngày ở ngoại quốc nên mặc dầu luôn nghĩ về quê hương, sự đóng góp của họ cũng chỉ hạn chế, giới hạn vào một số cá nhân có điều kiện và phương tiện.

 

Ở nước ngoài trí thức Việt kiều không phải hoàn toàn vượt trội, vì vậy không nên quá đề cao. Tuy nhiên, nhìn vào số tiền rất cao mà Việt kiều chính thức gửi về mỗi năm, ta sẽ thấy rất lạc quan cho tương lai.

 

Không ít Việt kiều phải cống hiến vô danh

 

Như vậy, nếu hoạt động của đội ngũ Việt kiều sôi nổi hơn nữa sẽ tạo một làn sóng mạnh trong việc giúp Việt Nam chuyển mình, thưa ông?

 

Chúng ta có nhiều tiềm năng, nhưng cần phải củng cố bộ máy, cải tổ cơ cấu hành chính cho thoáng hơn nữa. Và cũng phải tạo điều kiện thu hút Việt kiều hơn nữa. Tôi tin với sự góp sức của kiều bào khắp nơi thì đất nước sẽ tiến rất xa. Ví dụ, Trung Quốc bằng sự nỗ lực trong nước cộng với chính sách thu hút Hoa kiều tốt nên những năm gần đây đã phát triển rất nhanh.

 

Trong những năm gần đây, nước ta đã rất chú trọng đến kiều bào ở nước ngoài. Là một Việt kiều, ông thấy cần điều gì nhất trong chính sách đãi ngộ của Chính phủ?

 

Với bà con kiều bào, nếu chỉ hô hào vận động và hy vọng suông, dựa trên thiện chí thôi, sẽ mang lại rất ít kết quả. Tôi nghĩ Nhà nước nên có những chính sách trọng đãi về tinh thần, để họ cảm thấy thoải mái khi trở về làm việc, góp phần cống hiến chất xám vào công cuộc xây dựng đất nước.

 

Ví dụ, một trường đại học Việt Nam có thể ra quyết định đề bạt chức danh “Giáo sư thỉnh giảng” hay “Giáo sư danh dự” cho một GS Việt kiều, hoàn toàn không lương, như nhiều đại học trên thế giới hiện nay vẫn làm, để giúp họ có điều kiện dễ dàng trong thủ tục “đi - về” làm việc thường xuyên với  trường đại học. Nhưng việc này Bộ GD&ĐT chưa chấp thuận, mặc dầu giáo sư Việt kiều đó sẵn sàng chịu hết các phí tổn di chuyển và ăn ở.

 

Chỉ vì chưa có quy chế cụ thể về vấn đề này nên từ trước đến nay phần nhiều trí thức Việt kiều âm thầm về nước kết nối và trợ giúp về chuyên môn cho các trường đại học và sinh viên trong nước và họ chỉ có thể hoạt động với tư cách vô danh hoặc cá nhân với cá nhân.

 

Trong tôi kỷ niệm thời chiến tranh luôn day dứt...

 

Những hoạt động của GS Phạm Gia Thụ tại VN

 

- Năm 1991: Cố vấn cho Tổng cục Thống kê.

 

- Năm 1993: Giám đốc Dự án phát triển với ĐH Kinh tế quốc dân do cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ với ngân sách khoảng gần 2 triệu đô la CAD, 1994 - 2000.

 

- Giám đốc Dự án với Tổng cục Thống kê, 1997- 1998: “Xây dựng chỉ số tiêu dùng trong kinh tế thị trường tại VN” do IDRC tài trợ. Chỉ số này đã được áp dụng tại Việt Nam.

 

- Giám đốc Dự án Phát triển phân khoa Thống kê ĐH Khoa học Huế (cơ quan AUPEL - UREF tài trợ 18.000 đô la CAD).

 

- Thành viên trong dự án Micropuces của Khoa Sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên, TPHCM cùng ĐH Toulouse Pháp, 2002 - 2004 (Cơ quan AUF tài trợ 15.000 Euro).

 

Hiện tại, ông cộng tác và hướng dẫn, giảng dạy cho sinh viên Cao học và tiến sĩ tại một số trường ĐH: ĐH Khoa học Huế, ĐH KHTN TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Khoa học Cần Thơ.

Tôi lớn lên tại Hà Nội nên còn giữ nhiều kỷ niệm của đất Tràng An, khi tôi 7, 8 tuổi. Những đại lộ chia đôi, tiếng ve kêu trong hè, rồi bờ hồ - nơi chủ nhật được dẫn đi ăn kem, Hồ Tây - nơi lâu lâu được dẫn đi ăn bánh tôm... Tôi nhớ cả những ngày mùa đông dài mưa phùn gió bấc, đến những năm tháng tôi ở Sài Gòn.

 

Tôi rời VN năm 1967. 40 năm qua, tôi luôn nghĩ về một mảnh đất gấm vóc, với bao nhiêu nét đẹp thiên nhiên, ruộng đồng xanh mướt, những bãi biển với bờ cát trắng tuyệt vời, những chùa chiền cổ kính, những đường phố cây cao bóng mát, những ngôi nhà nhỏ bé nhưng xinh xắn...  Những người thân và bạn hữu đã xa rồi...

 

“Tôi luôn “nghe” sự đổi thay ở mảnh đất này”

 

Có vẻ như ông là một con người khá lãng mạn. Nhưng vì sao ông lại gắn bó sự nghiệp với các con số thống kê?

 

Tôi rất thích ngành Thống kê bởi liên quan tới tất cả các lĩnh vực. Tốt nghiệp ĐH Khoa học Sài Gòn ngành Toán học vào năm 1962 và hoàn thành tiến sĩ xác suất thống kê tại ĐH Toronto, Canada vào năm 1972. Càng đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực này, tôi càng thấy hiện nay, Việt Nam rất yếu về công tác thống kê trong lĩnh vực y khoa và sinh học. Đây là một hạn chế. Chúng ta cần phải có những chuyên gia thống kê về chuyên môn y khoa và sinh học để cố vấn cho các bác sĩ có được những thí nghiệm thì kết quả mới bảo đảm được.

 

Việt Nam rất yếu về lĩnh vực thống kê vì lý do gì, thưa ông?

 

Theo tôi nghĩ, chắc là trong thời gian qua, do điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất chưa có đủ trang bị máy móc và công nghệ để đầu tư cho ngành học này. Ở nước ngoài, người ta rất chịu khó đầu tư máy móc, công nghệ cho những người làm về thống kê.

 

Muốn thay đổi điều này thì phải chờ một ngày nào đó có ai tự bứt phá hoặc có một cơ quan có thẩm quyền đứng ra thì mới hy vọng có sự chuyển hướng.

 

Một câu hỏi (hơi tò mò một chút), ông đã thể hiện tình yêu của ông đối với quê hương như thế nào?

 

Tôi không về Việt Nam nhiều. Mỗi năm tôi có về trong dịp hè để tham gia nói chuyện và trình bày các hội thảo về thống kê tại nhiều trường đại học tại Việt Nam. Thời gian khác, tôi có mặt ở Việt Nam với vai trò là giám khảo trong các buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.

 

Nếu nói về “tình yêu” thì đây là một khái niệm khá trừu tượng. Tôi không biết phải mô tả nó thế nào. Trong suốt nhiều năm xa quê hương, tôi vẫn luôn “nghe” mọi sự thay đổi ở mảnh đất này bằng tất cả tấm lòng của một người con xa xứ. Hiện, tôi đang xin tài trợ để tổ chức Hội thảo về Xác suất thống kê tại Việt Nam, tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh tại VN và giúp đỡ các tài liệu khảo cứu, sách báo cho nhiều phân khoa Thống kê tại Việt Nam. Sắp tới, tôi sẽ về giảng dạy dài hạn tại Việt Nam.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Lan Hương - Mai Minh
(thực hiện)