1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tôi ứng cử đại biểu Quốc hội là hoàn toàn hợp quy luật”

(Dân trí) - Năm 2006, TS Cù Huy Hà Vũ từng tự ứng cử vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Mới đây, ông lại đệ đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII. Trò chuyện với Dân trí, người con trai của nhà thơ Huy Cận khẳng định, ông ra ứng cử đại biểu Quốc hội như lẽ tự nhiên phải thế.

Ông đã chuẩn những bị gì cho việc tự ra ứng cử của mình?

 

Tôi nghĩ bất kỳ một ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nào cũng có chương trình hành động và nội dung tranh cử. Cá nhân tôi có một loạt mục tiêu mà tôi đã, đang và sẽ thực hiện. Cho dù có nhắm vào vị trí ĐBQH khoá XII hay không thì tôi vẫn thực hiện những mục tiêu đó.

 

Về sự chuẩn bị, trong cả tiềm thức và trong hành động, tôi muốn tất cả mọi điều đều phục vụ lợi ích cao nhất của cộng đồng. Kỳ ứng cử ĐBQH khoá XII này là một cơ hội để tôi có thể đóng góp một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất trên cơ sở những việc tôi đã và đang làm.

 

Tôi hoạt động ngoài xã hội và tự ra ứng cử ĐBQH như một lẽ tự nhiên. Nói về sự chuẩn bị thì nó đã thường trực trong tôi từ nhiều năm nay, hay chí ít là từ năm ngoái, khi tôi tự ứng cử chức danh Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (Bộ VHTT). Điều đó thể hiện mong muốn đóng góp cho xã hội, muốn tham gia quản lý xã hội. Đây là một dịp nữa thể hiện mong ước của tôi là cống hiến cho xã hội.

 

Nội dung tranh cử của tôi gồm 5 lĩnh vực. Thứ nhất liên quan đến quá trình lập pháp, với tư cách là một tiến sĩ luật, tôi tự thấy mình có điều kiện tốt để tham gia vào quá trình này. Như các anh đã biết, luật của chúng ta hiện nay nếu mang ra để thực thi thì lại phải áp dụng văn bản này, nghị định kia, tức áp dụng các văn bản của cơ quan hành pháp và tư pháp. Do đó có độ chênh lớn! Tôi mong muốn có những bộ luật thực thi được ngay, chứ không cần đợi văn bản hướng dẫn của các cơ quan khác.

 

Thứ hai là công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân. Các ĐBQH không phải làm chức năng bưu tá mà cần trực tiếp tham gia tích cực vào quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo. Nếu tôi trúng cử, tôi sẽ tích cực tham gia vào quá trình này. Thứ ba là nội dung liên quan đến công tác chống tham nhũng, ở lĩnh vực này cũng cần trình độ, sự hiểu biết pháp luật sâu sắc.

 

Đồng thời, điều tôi quan tâm nữa là hành lang pháp lý cho Việt Nam tham gia quá trình hội nhập quốc tế. Với tư cách là một cán bộ ngoại giao, tôi nghĩ mình có điều kiện tốt để góp phần vào quá trình hội nhập một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất và cũng an toàn nhất. Thứ năm, là những nội dung liên quan đến việc gìn giữ bản sắc nền văn hoá Việt Nam. 

 

Ông đã từng tự ứng cử vào chức danh Bộ trưởng Bộ VHTT song không thành công. Qua đó ông có rút ra cho mình bài học gì không?

 

Năm ngoái, khi tôi ra tự ứng cử chức danh Bộ trưởng Bộ VHTT, tôi biết đây là việc chưa có tiền lệ. Quan niệm của tôi là Nhà nước, Chính phủ có thể bổ nhiệm được tôi vào chức danh đó bởi tôi dựa vào Hiến pháp chứ đó không phải là tuyên bố mà không có sự nghiên cứu hay chuẩn bị tốt về mặt pháp lý. Tuy nhiên, người ta chưa quen một công dân ở ngoài xã hội tự tin và tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Bộ VHTT.

 

Còn nếu tôi là Thủ tướng thì bên cạnh người do Đảng giới thiệu, những người do Thủ tướng dự kiến sẽ đưa vào chức Bộ trưởng Bộ VHTT khi có ai tự ứng cử - ở đây không phải là ứng cử ngay chức vụ đó, mà ứng cử vào danh sách của Thủ tướng -  tôi sẽ đưa ông Cù Huy Hà Vũ ra tranh luận với các ứng viên khác cho chức danh Bộ trưởng Bộ VHTT, để Thủ tướng xem ai có năng lực. Thậm chí là đưa các ứng viên ra Quốc hội tranh luận để Quốc hội thấy ai có năng lực, trên cơ sở đó Thủ tướng giới thiệu ra Quốc hội bỏ phiếu.

 

Điều gọi là kinh nghiệm hay bài học kinh nghiệm thì không có vấn đề gì cả. Như các anh nói là không thành công, bởi vì quy định chưa rõ ràng so với tự ứng cử ĐBQH. Hơn nữa, là vấp phải tâm lý từ trước đến nay, một công dân không có “quy hoạch” gì lại tự ứng cử vào cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, việc tôi ra ứng cử là hoàn toàn hợp quy luật.

 

Từ năm ngoái đến nay tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm, bởi từ trước đến nay và từ thời điểm tôi ứng cử Bộ trưởng Bộ VHTT, tôi đã tham gia nhiều hoạt động văn hoá xã hội. Như vấn đề bản quyền hay viết sách để phát huy bản sắc nền văn hoá nước nhà. Kinh nghiệm của tôi ở đây là gì? Là cái gì chưa thành công thì tôi vẫn tiếp tục thực hiện. Từ đó đón nhận phản ứng từ công luận, xã hội. Với tôi như thế là hoàn toàn tích cực!

 

Vậy ông có sợ mình sẽ lại đi vào “vết xe đổ” của năm 2006?

 

Tại sao lại gọi là “vết xe đổ”? Nếu tôi lại không thành công thì có hai điều. Thứ nhất, nếu lấy lợi ích của nhân dân, của quốc gia được đặt lên trên hết, tôi không có toan tính là có thành công hay không, trúng hay không trúng ĐBQH. Mối quan tâm của tôi là những mục tiêu, giải pháp tôi đề ra có được xã hội đón nhận hay không. Còn tất nhiên, nếu trúng cử ĐBQH thì những quan điểm đó có điều kiện tốt nhất để thực thi và biến thành hiện thực.

 

Cho nên tôi hoàn toàn không ngại chuyện trúng cử hay không trúng cử. Luật pháp cho phép tôi ra tự ứng cử thì tôi tự ứng cử. Tôi tự ứng cử thì đương nhiên tôi tin nhân dân sẽ bỏ phiếu cho tôi để tôi trúng cử. Điều đó không có nghĩa là sự toan tính trúng hay không trúng. Nếu tôi không trúng cử ĐBQH khoá XII mà các ý tưởng vẫn được xã hội chấp nhận, vẫn được các ĐBQH khác ứng dụng, tôi sẽ cùng họ triển khai các quan điểm đó, với tôi thế là hoàn toàn tốt.

 

Tất nhiên, khi tôi đã tự ứng cử ĐBQH, tôi luôn mong trúng cử, nếu không lại thành chuyện vui đùa. Như thế lại là có lỗi với xã hội.

 

Ông nghĩ như thế nào về quy định ĐBQH phải dành 1/3 thời gian cho nhiệm vụ của ĐBQH? 

 

Tôi nghĩ ĐBQH dành 1/3 thời gian để làm nhiệm vụ của ĐBQH là một sự định lượng, điều đó là chưa được nghiêm túc. Chúng ta phải hiểu thế này, dù anh có đang làm công tác khác thì anh cũng phải coi nhiệm vụ ĐBQH chí ít bằng việc anh đang làm. Tức là phải dành 1/2 thời gian cho công tác ĐBQH. Một nửa ở đây không có nghĩa là trong 8 giờ vàng ngọc tại cơ quan, trích ra 4 giờ làm công tác của ĐBQH. Khi công việc cơ quan đòi hỏi, vẫn đáp ứng đầy đủ nhưng phải lấy thêm thời gian trong cuộc sống để làm tròn nhiệm vụ ĐBQH. Như thế mới gọi là đại biểu của nhân dân. Nếu dành 1/3 thời gian thì thế của ĐBQH  sẽ “lép”.

 

Vấn đề lại đặt ra là ĐBQH kiêm nhiệm và ĐBQH chuyên trách. Tôi biết có nước một ĐBQH đưa ra được một dự luật, chứ không phải là một ban hay ngành nào. Tôi nghĩ, ở nước ta trình độ am hiểu luật  pháp của ĐBQH vẫn còn yếu, nên ngay cả ĐBQH chuyên  trách tập trung toàn thời gian để làm Luật thì cũng còn rất vất vả, huống hồ là ĐBQH kiêm nhiệm. Tôi nghĩ nên giảm đại biểu kiêm nhiệm đi, tăng đại biểu chuyên trách lên 70% chứ không phải là 30% như đề xuất hiện nay. Mặt khác, trong 70% đại biểu chuyên trách đó cần có 70% là người có bằng cấp, am hiểu thực sự về luật pháp. Như thế mới hoàn thành được trách nhiệm làm luật của ĐBQH.   

 

Ông nghĩ sao nếu có người cho rằng ông lại đánh bóng hình ảnh của mình trước công luận?

 

Tôi nghĩ không có chuyện đó. Luật quy định mọi công dân có quyền tự ứng cử, chả nhẽ Luật lại cố tình xúi công dân đánh bóng hình ảnh của mình à? Việc tự ứng cử ĐBQH quy định trong luật rồi. Vấn đề không phải là đánh bóng hay không đánh bóng, mà là có sử dụng quyền mà pháp luật cho phép không.

 

Mục tiêu của bất kỳ quan chức nào về nguyên tắc là lấy lợi ích của xã hội, của nhân dân làm đầu. Nên việc tôi ra ứng cử ĐBQH khoá XII này là hoàn toàn hợp pháp và hợp với quy luật phát triển của xã hội.

 

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Quang Trung - Thái Sơn
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm