"Tôi thấy nhẹ lòng sau chỉ đạo "trong veo thì sợ gì" của Chủ tịch Hà Nội"
(Dân trí) - Từ khi được gặp trực tiếp Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thấy Chủ tịch TP khích lệ cán bộ quyết trả đất dịch vụ cho dân, bà Đào Thị Duyên (73 tuổi) thấy gánh nặng trong lòng được trút bỏ.
Còn sống thì còn đi đòi đất dịch vụ
Nói về câu chuyện của gia đình, bà Đào Thị Duyên (73 tuổi, ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, vào năm 2003, hơn 2.000m2 đất nông nghiệp (chiếm 92% diện tích đất) mà gia đình đang cấy lúa, trồng hoa màu được chính quyền sở tại thu hồi để thực hiện dự án. Đổi lại, gia đình bà sẽ được giao khoảng 80m2 đất dịch vụ.
"Lúc đó, tôi kỳ vọng sẽ có đất dịch vụ rồi mở hàng quán buôn bán, kinh doanh để cải thiện thu nhập, để cuộc sống tốt hơn, thay vì cả đời chỉ biết gắn bó với ruộng nương" - bà Duyên nhớ lại.
Vậy nhưng, nhiều năm sau đó, tâm trạng bà Duyên cũng như hàng trăm hộ dân xã Tiền Phong từ trạng thái phấn khởi, háo hức dần chuyển sang hoài nghi rồi cảm thấy thất vọng.
Bởi lẽ, sau năm 2003, tại bất cứ kỳ họp nào do xã tổ chức, khi nhân dân đề nghị được giao đất dịch vụ thì chỉ nhận được lời hứa; những lời hứa cứ kéo dài "hết năm này sang năm khác".
Đến năm 2008, Hà Nội được điều chỉnh theo hướng mở rộng, lấy toàn bộ huyện Mê Linh nhưng đất dịch vụ vẫn chưa thấy đâu khiến bà "gợn gợn" trong lòng.
"Trước đó, tôi bị tai biến một lần cũng sống dở chết dở rồi. Sức khỏe yếu, không làm ra tiền rồi phụ thuộc vào các con nên nhiều lúc thấy ái ngại, phiền hà. Các cụ có câu "cơm mẹ thì ngon, cơm con thì cực". Tôi nghĩ nếu được giao đất dịch vụ, sau khi trả một phần cho con, mình còn lại vài chục m2 đất. Lúc đó bán đất hoặc kinh doanh gì đó cũng giúp cuộc sống của bản thân ổn định hơn" - bà Duyên bày tỏ.
Đến năm 2016, thấy mọi việc "giẫm chân tại chỗ", bà sốt ruột rồi bắt đầu hành trình đi đòi đất dịch vụ. "Kể từ đó, tôi cùng nhiều người dân đi đòi đất, bắt đầu lần mò đi gặp lãnh đạo thôn, rồi đến xã. Tiếp đó đến huyện rồi tới cấp thành phố. Thấy thành phố nói đang xin ý kiến Bộ TN-MT thì chúng tôi lại lên gặp Bộ" - bà Duyên nói.
Trên hành trình đi "đòi đất dịch vụ", điều khiến bà lo sợ nhất lại ập đến. Đó là vào năm 2021, bà phát hiện mình bị ung thư vú. Mấy tháng nằm điều trị, bà đã tính đến tình huống nếu không khỏe lại thì hi vọng sẽ có người nào đó trong xã đứng lên thay bà đại diện cho người đi đòi quyền lợi.
Vậy nhưng, khi sức khỏe dần ổn định, bà lại vấp phải sự can ngăn của con cháu trong nhà. Con bà khuyên hãy lo cho sức khỏe của mình, "mẹ sống được thêm năm nào tốt năm đó. Giờ bệnh tật đầy người mà vẫn cứ lọ mọ".
Đáp lại, bà Duyên chia sẻ, bản thân đã theo từ đầu đến cuối, giờ không đi tiếp nữa là có lỗi với dân. Cũng không biết ông trời cho sống thêm được bao lâu nữa nhưng bà kiên quyết ý định còn sống thì còn đi đòi đất dịch vụ.
Sau nhiều năm dài đằng đẵng đi đòi quyền lợi, ngày bà Duyên cảm thấy phấn khởi, vui mừng nhất là ngày được gặp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi tiếp xúc cử tri diễn ra ngày 16/11 vừa qua.
"Thấy Chủ tịch nói tại buổi tiếp xúc cử tri, tôi thấy nhẹ nhõm cả người. Đêm về ngủ cũng cảm thấy ngon giấc và trong tôi bây giờ thấy lạc quan và hy vọng nhiều lắm. Ông ấy khích lệ cán bộ rằng "bản thân trong veo" thì cứ làm cho dân đi. Tin tưởng lần này sẽ giải quyết dứt điểm, sớm được giao đất dịch vụ" - bà Duyên hào hứng kể.
Mê Linh đã bố trí đủ quỹ đất để giao cho dân
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ, việc "nợ" người dân Mê Linh hàng nghìn suất đất dịch vụ là lỗi của cấp ủy, lãnh đạo huyện và lãnh đạo thành phố.
Ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ, nếu Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh "không dính dáng lợi ích gì" thì nên quyết tâm làm, xử lý các vấn đề liên quan đến đất dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Theo Chủ tịch Hà Nội, thế hệ lãnh đạo đương nhiệm "hơn chỗ khác vì là thế hệ sau, không dính dáng gì thì dũng cảm mà làm". Nếu mọi việc không được giải quyết rồi mỗi lúc một chính sách thì mọi thứ càng ngày càng khó. "Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ… Mình trong veo thì sợ cái gì!" - ông Thanh khích lệ.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Bộ TN-MT về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc trong giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh.
Báo cáo thể hiện, trong giai đoạn từ ngày 1/1/1997 đến trước ngày 1/8/2008, tổng số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp là hơn 6.400 hộ, tương ứng hơn 28ha đất dịch vụ. Trong đó, đã có 715 hộ được giao tổng diện tích 3,8ha; còn lại hơn 5.700 hộ gia đình, cá nhân tương ứng hơn 24ha chưa được giao.
Qua thống kê, UBND TP Hà Nội khẳng định, địa phương đã xác định bố trí đủ quỹ đất để giao cho hơn 5.700 hộ gia đình.
Trong khi đó, tại văn bản số 9183/VPCP-NN ngày 3/11/2020 của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 7093/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 15/12/2020 của Bộ TN-MT đã đồng ý giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi từ 22/7/2004 đến trước ngày 1/8/2008.
Do đó, để giải quyết dứt điểm tồn tại về giao đất dịch vụ, đảm bảo công bằng giữa các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, Hà Nội đề nghị xem xét thống nhất cho UBND huyện Mê Linh giao đất dịch vụ cho hơn 5.700 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh.
Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được đề nghị xem xét giao đất dịch vụ, gồm: các hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có đất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% để thực hiện các dự án trong giai đoạn từ 1/1/1997 đến trước ngày 22/7/2004. Nhóm còn lại là các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% để thực hiện dự án trong giai đoạn từ 1/1/1997 đến trước ngày 1/8/2008 (tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cả trước và sau ngày 22/7/2004; tương tự như tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện).