1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tội phạm môi trường phức tạp, phát hiện chưa tương ứng

(Dân trí) - Đó là một nội dung trong báo cáo của Bộ Công an về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến phát biểu tại Thường vụ Quốc hội cũng đã bày tỏ sự lo lắng với vấn đề lớn và đang “nóng bỏng” này.

Ngày 6/10, Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận xung quanh các báo cáo về tình tình tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác truy tố, xét xử năm 2008.

Không thể ngồi bàn giấy bắt quả tang

Theo báo cáo về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của ngành công an, số vụ phạm tội kinh tế, tham nhũng và môi trường có xu hướng tăng lên. Trong đó, tội phạm tham nhũng, môi trường phức tạp nhưng việc phát hiện chưa tương ứng.

Số vụ cướp giật giảm 18% nhưng lại xuất hiện những vụ rất nghiêm trọng, trong đó có một số vụ cướp ngân hàng. Xuất hiện những nhóm tội phạm nước ngoài đến các tiệm vàng trộm cắp tài sản

Nhiều nơi xuất hiện những băng nhóm thanh thiếu niên gây gổ, thanh toán lẫn nhau. Đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên tăng lên khá nhiều (trong số 24.000 đối tượng phạm tội có tới 2.300 là học sinh, sinh viên).

Theo báo cáo Thẩm tra của UB Pháp luật do Chủ nhiệm UB Nguyễn Thị Thu Ba trình bày, phòng ngừa tội phạm có những khâu còn yếu và hạn chế. Đặc biệt, nhiều nơi còn buông lỏng trong quản lí kinh tế, văn hoá và môi trường.

Cũng theo bà Thu Ba, trong số 692 tội phạm tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2008 vẫn còn 267 án treo khiến dư luận đặt vấn đề, chưa có sự nghiêm minh. Bà Thu Ba đề xuất, cần đánh giá lại các trường hợp án treo để có nhìn nhận đúng về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lo ngại, các vi phạm về môi trường đều diễn ra trong thời gian dài để lại hậu quả nghiêm trọng. Bà Mai cho rằng, các báo cáo vẫn chưa làm rõ khó khăn vướng mắc khi xử lí tội phạm trong lĩnh vực này.

“Lĩnh vực môi trường, vệ sinh thực phẩm vừa qua, cứ đụng tới là thấy vi phạm” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình đánh giá. Theo ông, cần nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan, buông lỏng quản lý nhà nước.

Gắn với vụ việc điển hình là ô nhiễm sông Thị Vải vừa qua, ông Bình đưa ra dẫn chứng, Giám đốc các sở Tài nguyên - Môi trường của các tỉnh liên quan đều nói không bắt được quả tang nên không thể xử lí. "Chẳng lẽ cứ ngồi bàn giấy mà đòi bắt quả tang vi phạm", ông Bình kết luận.

Còn “khoảng cách lớn” phải xem xét

Tình hình tội phạm năm nay có gì liên quan đến biến động đời sống kinh tế xã hội 2008 là vấn đề được Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai đề nghị làm rõ. Bà Mai cũng đặt ra câu hỏi, nếu hết 2009 khó khăn về kinh tế xã hội còn tiếp diễn thì tình hình trật tự an ninh xã hội sẽ thế nào?

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng góp ý, phải đánh giá đầy đủ hậu quả của tội phạm, trong đó có việc ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. “Làm ra của cải, vật chất hết sức khó khăn, nhưng tội phạm làm thất thoát rất lớn”, ông Vượng phân tích.

Cũng theo ông Vượng, chúng ta vẫn nặng về chống, trong khi quan trọng hơn là phòng ngừa lại làm chưa tốt. Ông nhấn mạnh đến việc chỉ rõ nguyên nhân để từ đó giúp Chính phủ, Quốc hội có giải pháp phòng ngừa.

Trưởng ban dân nguyện cũng cho rằng, số vụ án phải xử giám đốc thẩm còn lớn. Theo đó, trong số 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mới xử lí được 5.000 đơn với kết quả, 10% phải kháng nghị.

Còn lại 6.000 trường hợp, ông Vượng lo ngại tình huống không xử lí kịp (thời hạn kháng nghị Giám đốc thẩm là 3 năm), nếu có phát hiện sai sót trong xét xử cũng đành bó tay. “Điều này còn có thể dẫn tới cái vòng loanh quanh, dân kiến nghị còn ta trả lời là hết thời hạn”, ông Vượng phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trong hơn 63.000 vụ án khởi tố năm 2008 có tới 10% số vụ phải đình chỉ là “một khoảng cách lớn” cần xem xét.

Theo ông, đội ngũ cán bộ kiểm sát, xét xử, thi hành án còn quá mỏng, khó có thể giải quyết tốt các vấn đề nên tới đây cần quan tâm hơn tới yếu tố con người, nhất là khi nghiên cứu tổ chức các Tòa án khu vực.

Ông Thuận cũng đề nghị, cần đánh giá sự tạo điều kiện của cơ quan tiến hành tố tụng đối với luật sư trong việc tham gia vào các vụ án, nhằm đảm bảo xét xử khách quan, dân chủ, công bằng.

Cấn Cường