1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tội phạm môi trường ngày càng phức tạp

(Dân trí) - “Ngoài các vi phạm phổ biến như gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, tội phạm về môi trường trong một số lĩnh vực có thể sẽ phát sinh những diễn biến phức tạp”.

Đó là nhận định của thượng tá Nguyễn Văn Hoàng Hải- Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TPHCM.

Tội phạm môi trường ngày càng phức tạp - 1

Chính hệ thống quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện góp phần làm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Theo ông Hải, tội phạm môi trường (TPMT) trong các lĩnh vực khác có thể phát sinh diễn biến phức tạp như: thông qua hoạt động đầu tư để chuyển vào trong nước thiết bị, công nghệ lạc hậu vừa tiêu hao năng lượng, vừa gây ô nhiễm. Ngoài ra, tính phức tạp còn có thể tăng thêm do có sự kết hợp giữa tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng với TPMT.

Ông cũng cho biết là không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện sự liên kết, móc nối giữa TPMT trong và ngoài nước do mục tiêu chạy theo lợi nhuận bất hợp pháp và quản lý yếu của chúng ta.

Một số biểu hiện của các hoạt động trên thời gian qua là các vi phạm nhập khẩu rác thải độc hại dưới dạng phế liệu; mua bán chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại trái luật…

Một số vụ việc lớn đã bị phát hiện như vụ Công ty TNHH Mega Star và Công ty Vòng Tròn nhập khẩu 86 container thép phế liệu dính dầu nhớt; Công ty TNHH Kiến Thành nhập 19,5 tấn phế liệu nhựa chưa làm sạch…

Còn các hoạt động gây ô nhiễm MT cũ, truyền thống như trong quá trình sản xuất thải ra chất thải độc hại, xả thải chưa xử lý ra môi trường… thì vẫn diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, trong tháng 4/2009 và đầu tháng 5/2009, Cảnh sát MT TP đã phát hiện hai vụ tương đối lớn.

Thứ nhất là vụ Công ty TNHH Phạm Thu (Hóc Môn) xây dựng một đường cống ngấm đường kính 30cm, dài 450m để xả thải thẳng ra kênh Cầu Xáng, dù công ty có hệ thống xử lý công suất 500m3/ngày. Thứ hai là vụ Công ty TNHH Tường Trung (KCN Tân Phú Trung, Củ Chi) xây dựng hệ thống điện đặc biệt đế bơm nước thải chưa xử lý qua cống ngầm đường kính 9cm đưa trực tiếp vào kênh Thầy Cai.

Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Văn Hoàng Hải cho rằng: nhiều vi phạm được tích lũy từ trước, đến nay mới bị phát hiện, xử lý chứ không phải là gần đây tăng đột biến.

Nhận định nguyên nhân tình hình TPMT vẫn diễn biến phức tạp, thượng tá Hải cho là có nhiều nguyên nhân, như: lợi nhuận cao từ hoạt động vi phạm pháp luật bảo vệ MT, hệ thống văn bản pháp quy còn nhiều bất cập, chế tài xử lý thấp, quản lý chưa tốt…

Điển hình thời gian qua là những vụ vi phạm pháp luật bảo vệ MT cực kỳ nghiêm trọng như vụ Vedan (Đồng Nai), vụ Hào Dương (TPHCM)… nhưng cuối cùng vẫn không đủ cơ sở để xử lý hình sự bất cứ vụ nào.

Do đó, Phòng Cảnh sát MT TPHCM đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để công tác đấu tranh, xử lý tội phạm trong lĩnh vực MT thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng xử hình sự loại tội phạm này.

Vướng mắc lớn nhất là về chủ thể tội phạm. Chủ thể vi phạm xử lý hình sự là con người. Trong khi đó, xử lý trong lĩnh vực này là tổ chức, doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPCHM cũng từng than: “Chúng ta chỉ xử lý hình sự cá nhân, không xử pháp nhân. Không lẽ chúng ta gô con dấu lại, bỏ vào tù”.

Ngoài ra, để xử lý phải xác định hậu quả hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng hậu quả của hành vi phá hoại MT thì về lâu về dài mới xác định được, rất khó định lượng để xác định hậu quả.

Ông Hải cho rằng: “Trong điều kiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ MT mà đặc biệt là các quy định về TPMT trong Bộ luật Hình sự chưa được bổ sung, sửa đổi thì vi phạm về MT sẽ vẫn gia tăng, nhưng tội phạm về MT sẽ vẫn khó bị xử lý”.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm