1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tội phạm công nghệ cao ngày càng xảo quyệt

(Dân trí) - Các đối tượng trộm cắp cước viễn thông quốc tế ngày càng tinh vi, quỷ quyệt. Hầu hết bọn chúng đều có trình độ chuyên môn cao, biết lợi dụng chính sách mở cửa thị trường, móc nối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để thực hiện hành vi trộm cắp.

Nhận định trên được đưa ra trong Hội nghị Phòng chống tội phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế và buôn lậu qua đường bưu chính diễn ra vào sáng nay 13/4. Khi bị trộm cước, các doanh nghiệp và nhà nước đều bị thất thu với số tiền không nhỏ.

 

Thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện

 

Thực tế cho thấy, CNTT càng phát triển thì nạn trộm cước viễn thông quốc tế, trộm cắp và phá hoại các thiết bị và công trình viễn thông… càng gia tăng. Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện.

 

Thanh tra Bộ BCVT cho biết, tội phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế trong những năm qua liên tục có dấu hiệu gia tăng mạnh. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay đã có 30 vụ trộm cắp viễn thông quốc tế bị phát hiện, bắt giữ.

 

Đặc biệt, đến năm 2005, khi Internet ADSL được sử dụng rộng rãi trên thị trường thì các đối tượng trộm cắp đã lợi dụng đường truyền tốc độ cao này để kết nối với các thiết bị đầu cuối lắp đặt trái phép tại Việt Nam, chuyển lưu lượng điện thoại quốc tế vào trong nước.

 

Cơ quan chức năng đã nghiên cứu, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và từ năm 2005 tới nay đã phát hiện bắt giữ 14 vụ trộm cắp viễn thông quốc tế. Trong đó, chỉ tính từ đầu năm 2006 tới giờ đã có 4 vụ.

 

Hầu hết các đối tượng vi phạm đều là những người có am hiểu về CNTT, có thể làm được những việc đòi hỏi chuyên môn cao như lắp đặt hệ thống thiết bị, trạm thông tin vệ tinh cỡ nhỏ (VSAT); thiết lập đường truyền dẫn VIBA, chuyển SIM thuê bao di động (cả trả trước và trả sau) qua bên kia biên giới để kết nối vào trạm VSAT lắp đặt tại nước láng giềng; sử dụng điện thoại kéo dài công suất lớn để kết nối 2 mạng viễn thông của hai nước ở khu vực biên giới, sử dụng Internet ADSL để chuyển lưu lượng điện thoại trái phép về Việt Nam…

 

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều đối tượng đã lợi dụng các công nghệ viễn thông hiện đại như: Công nghệ chuyển tiếp khung (Frame Replay), công nghệ điện thoại qua giao thức Internet (VoIP), công nghệ chế tạo thiết bị VSAT,VIBA siêu nhỏ, gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lắp đặt… để thực hiện hành vi vi phạm.

 

Thanh tra Bộ BCVT đánh giá tính chất, mức độ vi phạm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các đối tượng tội phạm trở nên tinh vi quỷ quyệt hơn rất nhiều, biết lợi dụng chính sách mở cửa thị trường, móc nối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để thực hiện trộm cắp. Hầu như các vụ trộm cước đều có yếu tố nước ngoài. Sự phối hợp giữa các đối tượng ngày càng kín đáo, tinh vi hơn.  

Từ năm 2000 đến nay, Tổng cục Bưu điện trước đây (nay là Bộ Bưu chính Viễn thông) đã phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng, đặc biệt là A17, A24, các PA17, PA24 thuộc Bộ Nội vụ trước đây (nay là Bộ Công an) phát hiện, bắt giữ 42 vụ trộm cắp cước viễn thông quốc tế, giám định tư pháp chuyên ngành 36 vụ.

Các vụ trộm cước không chỉ dừng lại ở một cá nhân mà lôi kéo cả gia đình cùng tham gia thực hiện. Những thiết bị đầu cuối ngày càng nhỏ gọn, dễ qua mắt cơ quan chức năng. Quy mô hoạt động của các vụ vi phạm đã mở rộng về các địa phương, khu vực biên giới và vượt qua bên kia biên giới Việt Nam.

 

Khi bị trộm cước, các doanh nghiệp và nhà nước đều bị thất thu với số tiền không nhỏ. Đơn cử như Viettel, nhà cung cấp này từ khi hoạt động tới nay đã phát hiện trên 20 vụ ăn cắp cước và bị thất thoát tới trên 6 tỷ đồng.

 

Cần siết chặt hoạt động quản lý

 

Trong hội thảo, Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá đánh giá: “Tội phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế là một điển hình trong các loại hình tội phạm công nghệ cao thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Nhìn chung, loại tội phạm này diễn ra khá phức tạp, trên diện rộng, trong đó tập trung nhiều tại các thành phố lớn, các khu kinh tế, văn hoá, chính trị trọng điểm và khu vực biên giới phía Bắc”.

 

Có thể thấy rõ, hoạt động quản lý nhà nước là nguyên nhân lớn khiến cho loại hình tội phạm này lộng hành. Hiện nay còn thiếu Luật điều chỉnh về các loại tôi phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có các loại tội phạm về lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT chưa được quy định đầy đủ.

 

Bên cạnh đấy, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ triệt để quy trình khai thác, quản lý viễn thông. Kẻ xấu đã lợi dụng kẽ hở để thực hiện hành vi tội phạm. Đơn cử, hiện nay một số doanh nghiệp viễn thông buông lỏng quản lý SIM, thẻ điện thoại trả trước, kẻ xấu đã lợi dụng việc này mua SIM, thẻ với số lượng lớn để trộm cắp cước viễn thông quốc tế, quấy phá, tống tiền và không loại trừ khả năng khủng bố. Nếu không có biện pháp quản lý việc này, khi có vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng sẽ rất khó truy tìm thủ phạm.

 

Bảo Trung