1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tôi đi “mua”… người!

Khi mùa lũ tràn về phủ trắng ruộng đồng miền Tây cũng là lúc những phận người mưu sinh ồ ạt kéo lên thành phố. Có người may mắn kiếm được việc làm, nhưng không ít người trôi dạt vào những phiên “chợ người” mà nơi đó phận người được mua bán, trả giá như những món hàng vô tri vô giác...

“Cần người bế em bé hay bế người lớn?”

 

Chẳng biết từ bao giờ, đoạn đường Ba Tháng Hai thuộc Q.10, TPHCM đã hình thành một phiên chợ mà nhiều người gọi là “chợ người”!?

 

Đến đó, khi tôi mới nói cần tìm một bé gái chừng 14-15 tuổi biết bế trẻ con thì được giới xe ôm nơi này mời chào ngay: “Loại nào cũng có, cần người bế em bé hay bế cả người lớn cũng được, ngồi lên tôi chở đi!”. Anh xe ôm đưa tôi đến một căn nhà trên đường Thành Thái, P.14, Q.10. Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ trạc 40 tuổi, bà Ph..

 

Sau ánh mắt dò xét, vài câu hỏi thăm nhu cầu cần người của tôi, bà Ph. bắt đầu tiếp thị: “Người của chị nhiều lắm, có bao nhiêu là người ta “hốt” bấy nhiêu. Nhưng hôm nay thì hết “hàng” rồi. Em để số điện thoại lại, chừng nào có chị gọi cho”.

 

Mấy anh “cò” ở ngã tư Ba Tháng Hai - Nguyễn Kim cho tôi một tấm danh thiếp rất ấn tượng: “D. - chuyên giới thiệu nữ giúp việc nhà, bán cà phê, bia, cơm, phở, may...”. Tôi tìm gặp chủ nhân tấm danh thiếp với địa chỉ ghi trong hẻm 1099 đường Ba Tháng Hai. Chủ nhân đang ngồi giữa, xung quanh là mấy người đàn ông đang nhìn bốn cô gái vừa đưa từ quê lên.

 

Mấy gã đàn ông vừa bình phẩm, cười cợt một cách khiếm nhã. Các cô gái không giấu được vẻ sợ hãi. Tôi nói với D. là mới mở quán cà phê đèn mờ, cần khoảng mười em. Không một chút đắn đo, D. nói ngay: “Cà phê ôm chứ gì? Nói toẹt ra dễ làm ăn với nhau. Mấy quán cà phê ôm bên Q.7, Q.9, thậm chí trên Bình Dương điện nhờ tôi kiếm người hoài... Mà nói trước nha, hàng này khác giá ôsin nha...”.

 

“Bao nhiêu?” - tôi hỏi. “Ba trăm một đứa”. Điện thoại của ông chủ cứ réo vang liên tục, người gọi “đặt hàng” tới tấp: “Mấy đứa ?... Mười sáu, mười bảy tuổi hả, mai có người đưa lên liền, tui chặt cò mỗi đứa ba trăm, cho tháng lương đầu tiên...”. Ngồi lấp ló cạnh mấy cô gái nhà quê là hai thanh niên mặt non choẹt dáng quê cũng không kém.

 

Mải lo “tiếp thị” mấy cô gái trẻ nên chợt nhìn thấy hai thanh niên đang ra vẻ sốt ruột, “ông chủ” mới “à...” lên một tiếng rồi rút sổ tay dày đặc những con số và bấm điện thoại di động: “Có hàng cho anh hai rồi nè, hai thằng ngon lành lắm, tới chở liền nghe...”.

 

Theo tìm hiểu thì đứng sau những “vựa người” trên đường Ba Tháng Hai là cả một đường dây chăn dắt được nối mạng từ các miền quê có nhiều người thất nghiệp như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp… lên TPHCM.

 

Mỗi đường dây đều có những người chuyên dắt mối để bán đi từng số phận mà cay nghiệt hơn là còn “cắn cò” vào thẳng tiền lương tháng của người lao động mà không cần biết công việc ổn định được bao lâu.  

 

Ngoài ra, nhiều “cò con” luôn túc trực ở các bến xe miền Tây, bến xe Chợ Lớn, bến xe miền Đông để kịp “bắt bò lạc” (những thanh niên tự đi lên TP tìm việc) để bán lại cho các “vựa người” ăn hoa hồng.

Khoảng 30 phút sau, một người đàn ông phóng xe máy đến. Hai người thỏa thuận với nhau tiền “môi giới”: “Thôi chỗ quen em lấy của anh mỗi đứa một trăm, lương anh tự thỏa thuận...”. Người đàn ông gật đầu, chở hai thanh niên đi.

 

Anh Quang, một tài xế xe ôm lâu năm chạy xe gần cửa hàng Legamex, kể: “Mấy năm trước, xe 16 chỗ chở người từ Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang... lên ầm ầm. Họ đem người ra tận giữa đường để chào giá, trả giá luôn. Bây giờ tránh công an, họ đưa người lên để ngoài bến xe rồi thuê xe ôm chở vào từng chuyến, họ chọn những con hẻm kín đáo hay giao dịch qua điện thoại di động là chính...”.

 

Cho dù bây giờ cái chợ người này đã được xem là kín đáo nhưng chỉ trong một ngày tôi đã tiếp xúc được hơn năm “đại lý” lưu động, mỗi “đại lý” như vậy thực hiện trung bình mười “phiên giao dịch”. Chợ người này rất đa dạng “sản phẩm” như nhiều “ông chủ” đã tiếp thị: từ đứa bé gái bế em, phụ nữ giúp việc nhà, thanh niên phụ hồ, gái bán cà phê ôm... tất cả đều được chào hàng một cách công khai, mà “hút hàng” nhất vẫn là các cô gái trẻ. Hầu như “đại lý” nào tôi ghé vào hỏi tìm mấy cô gái trẻ, họ cũng bảo: “Hết rồi, hàng đang hút lắm, ba bốn trăm ngàn cũng không có hàng!”.

  

Những cuộc mua bán không… văn tự

 

“Cái con đen đen kia giá bao nhiêu?”. Một ông phốp pháp đậu chiếc Dylan đỏ chói giữa đường chỉ vào nhóm thiếu nữ tay xách tay bị lấm lem bên lề đường. Một người đàn bà nhanh chân bước xuống đường: “Ba trăm rưởi, lương bao cơm tám trăm, tết không cần về quê...”. Cô bé da ngăm đen bước tới phân bua: “Bảy trăm con cũng làm nhưng tết con về lo mồ mả cha mẹ, con nói với dì rồi mà?”.

 

Bà “cò” chống nạnh quát: “Mày biết gì mà nói? Muốn kiếm việc mà còn eo sách!”. Hai vợ chồng đi xe hơi trờ tới. Người đàn bà ăn mặc sang trọng bước xuống nói với bà “cò”: “Hai con đen rửa chén bốn trăm, năm thằng trắng năm trăm chạy bàn, chiều có được không bà?”. Bà “cò” nhỏ nhẹ: “Hai chục đứa cũng có, nhưng dạo này tụi đen hút hàng lắm, chị cho năm trăm nghe, còn mấy thằng trắng em lấy chị giá cũ năm trăm...”.

 

Thấy tôi ngạc nhiên với những tên gọi “trắng trắng, đen đen...”, anh Năm xe ôm giải thích: “Ở cái chợ này mấy tay “cò” gọi những người lao động gốc dân tộc thiểu số là “hàng đen”, còn mấy cô cậu nông dân là “hàng trắng”. Trước đây “hàng đen” rẻ như bèo nhưng được cái rất siêng năng và khỏe mạnh nên giờ người ta chuộng “hàng đen” hơn nên mấy tay cò mặc sức làm giá để ăn chênh lệch đồng lương của họ”.

 

Hôm tôi trở lại chợ người tìm một cô bé giúp việc, bà “cò” mau mắn đưa ra một cô bé đen nhẻm khoảng 14-15 tuổi và bảo: “Xấu xí vậy mà siêng lắm nghen, lấy đi, tui để cho một trăm!”. Tôi hỏi: “Thế lương con bé bao nhiêu vậy chị?”. Bà “cò” lại mau mắn: “Nó từng làm cho gia đình Việt kiều rồi, máy móc, đồ điện tử gì cũng biết sử dụng, tui lấy chú tám trăm ngàn”.

 

Trong lúc bà “cò” quay sang tiếp mấy lượt khách khác vào xem “hàng”, tôi kéo cô bé ra hỏi chuyện. Em tên Trị, mới 14 tuổi, từ Sóc Trăng lên. Em cho biết đã từng đi làm cho một gia đình ở Cần Thơ, người ta trả 300.000 đồng, bao cơm. Có người bảo lên TP.HCM  được trả giá cao hơn nên em theo mấy anh “cò” ra bến xe và được đưa lên đây. Đã ba ngày trời người ta trả giá tới trả giá lui. Với em chỉ cần trả 400.000 đồng là em làm ngay. Nhưng bà chủ vẫn chưa cho đi, bà đang chờ giá cao hơn để ăn chênh lệch...

 

Thế Anh - Trần Huỳnh - Ngọc Diện
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm