“Tôi đã mất ngủ cả đêm trước khi nói về hàng rong”
(Dân trí) - “Cấm hay không cấm bán hàng rong là vấn đề mang tính nhân văn và xã hội. Tôi đã phải mất ngủ cả một đêm khi nhận được lời mời của Đài Truyền hình, nói về hàng rong trong 5 phút”, nhà văn Băng Sơn nêu vấn đề.
Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo Sở Thương mại trao đổi với báo chí xung quanh qui định về quản lí hàng rong tại buổi giao ban báo chí chiều 25/1. Cuộc trao đổi đã diễn ra khá “nóng” với liên tiếp những câu hỏi được đưa ra.
93% người bán “chưa qua đào tạo”!
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, PGĐ Sở Thương mại, quyết định về quản lí bán hàng rong được hình thành trên cơ sở Nghị định 39/2007 của Chính phủ (về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh). Sau khi xây dựng đề cương, Sở Thương mại đã tổ chức khảo sát về thực trạng bán hàng rong tại 9 quận nội thành.
Theo đó, trong hai năm trở lại đây số lượng người bán hàng rong tăng lên “từng ngày”. Cho đến hiện tại, số người bán rau là khoảng 5 - 7.000 người, bán hoa quả khoảng 5 - 9.000 người...
Trong lực lượng bán hàng rong, phụ nữ chiếm đến 93%, với độ tuổi trung bình là 40 tuổi. Người ngoại tỉnh chiếm đến 70-80% và có đến 93% người bán “chưa qua đào tạo”.
Trước khi trình thành phố phê duyệt quyết định 02/2008 về quản lí hàng rong, Sở đã tổ chức xin ý kiến các quận, huyện rồi tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học! Văn bản sau đó cũng đã được thẩm định vòng 1, 2 và 3.
Sau khi có quyết định 02 (về quản lí bán hàng rong), Sở đã xây dựng kế hoạch để các ngành, các huyện thực hiện và đến nay kế hoạch này cơ bản đã xong. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thực hiện tuyên tuyền, thông báo công khai các tuyến đường, khu vực cấm bán và những khu vực được bán tạm thời; tổ chức cắm biển cấm tại những nơi qui định...
Cùng đó, lập sổ theo dõi người bán hàng rong. Lập danh sách những người mượn bán hàng rong để ăn xin và trả về các địa phương.
Nếu kế hoạch này được phê duyệt, đến ngày 1/4, thành phố đồng loạt ra quân quản lí hàng rong. Bà Mai đánh giá, việc soạn thảo các qui định về bán hàng rong được thực hiện khẩn trương, nhưng cũng hết sức “thận trọng”.
Đừng nửa dơi, nửa chuột
Có rất nhiều câu hỏi được các phóng viên đặt ra với bà Mai. Chẳng hạn, sở Thương mại quan tâm đến số % người bán chưa được đào tạo, nhưng tại sao không tính họ mang lại được bao nhiêu lợi ích, đóng góp bao nhiêu % vào sự bình ổn thị trường (vì hàng rong bán rẻ)?
Nếu cấm bán hàng rong, sở Thương mại có kế hoạch gì về việc tạo ra các điểm thương mại phục vụ người dân? Sở Thương mại tư vấn như thế nào mà để Thành phố ra quyết định 02 (ngày 9/1) có hiệu lực ngay sau đó 10 ngày, nhưng cuối cùng phải lùi lại?
Bà Mai cho rằng, quyết định này có hiệu lực là có hiệu lực cho các cơ quan thực hiện, “không phải có hiệu lực với xã hội”. Bà Mai cũng nói chung chung, hàng rong có những đóng góp nhưng bất cập là không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và ảnh hưởng đến giao thông. Hiện nay, Sở đã có kế hoạch về xây dựng các trung tâm, các điểm thương mại phục vụ người dân!
Nhà văn, nhà báo Băng Sơn đặt vấn đề, cấm hay không cấm bán hàng rong là vấn đề mang tính nhân văn và xã hội. Ông đã phải mất ngủ cả một đêm khi nhận được lời mời của Đài Truyền hình, nói về hàng rong trong 5 phút.
“6 vạn người nghèo, chúng ta đẩy họ đi đâu?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng, rất lạ khi một vấn đề như thế nhưng Sở Thương mại chỉ cần mấy ngày lập xong kế hoạch.
Ông cũng cho rằng, hàng rong không phải là vấn đề lớn của giao thông mà vấn đề thuộc về cơ sở hạ tầng và ý thức giao thông. Ông khẳng khái cho rằng, chủ trương này không hợp lòng dân.
Bà Mai không bình luận về khía cạnh nhân văn, xã hội mà chỉ thanh minh rằng, không phải Sở làm xong qui hoạch cấm bán hàng rong mà là lập kế hoạch để cho các cơ quan thực hiện.
Với câu hỏi, quyết định về quản lí hàng rong liệu có thực hiện được không bà Mai đáp lại: “đây là câu hỏi rất khó trả lời”.
Không hỏi, nhưng đại diện báo Doanh nghiệp - Thị trường đặt vấn đề: Sẽ có những khu vực được bán, nhưng ai sẽ vào mua khi hàng rong lâu nay phát huy lợi thế đến với người cần mua. Thêm nữa, có nơi cấm, nơi không cấm nên sẽ phải hình thành đội quân đi đuổi những người bán sai qui định... Vì thế, theo nhà báo này hoặc là cấm triệt để hoặc là để tồn tại như hiện nay, không để nửa dơi, nửa chuột.
Kim Tân