1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Tiến Thọ:

“Tôi bầu chọn hoa sen làm Quốc hoa”

(Dân trí) - Mặc dù vào thời điểm hiện tại, hoa sen đang được nhiều người dân bầu chọn làm Quốc hoa nhưng cũng có một số ý kiến về sự trùng biểu tượng và kế hoạch quảng bá. <i>Dân trí</i> đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Lê Tiến Thọ về vấn đề này.

Kể từ tháng 6/2010, hội thảo về Quốc hoa đã được tổ chức và nhiều người dân Việt Nam rất nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến và tham gia bầu chọn. Kết quả thăm dò ý kiến lựa chọn Quốc hoa qua mạng internet cho thấy Hoa sen đang nhận được số phiếu bầu chọn cao nhất (40,3%).

 

Tiếp sau đó là hoa mai (33,6%), cây tre (9,5%), hoa đào (8,2%),  hoa cau (1,8%). Một số loại hoa khác như hoa lan, hoa gạo, hao quỳnh, hoa súng nhận được 0,6% số phiếu bầu.

 

Và để tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Quốc hoa, BTC đã tổ chức triển lãm tại số 2 Hoa Lư (HN) để người dân bầu chọn Quốc hoa cũng như Quốc phục, Quốc tửu Việt Nam.

 
“Tôi bầu chọn hoa sen làm Quốc hoa” - 1
Thứ trưởng Bộ VH, TT& DL Lê Tiến Thọ khẳng định Quốc hoa được chọn dựa theo ý nguyện đông đảo người dân VN.
 

Bên lề cuộc triển lãm, để làm rõ hơn một số ý kiến về sự trùng lặp biểu tượng hay kế hoạch quảng bá, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch kiêm Chủ tịch hội đồng tư vấn tuyển chọn quốc hoa Việt Nam, Lê Tiến Thọ.

 

PV: Thưa ông, việc sử dụng khái niệm “Quốc hoa” có làm cho người dân bị hạn chế trong việc chọn cây lúa hay tre làm biểu tượng cho Việt Nam hay không?

 

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Không hề, thực tế cho tới thời điểm này, có không ít người dân bầu chọn cây tre làm biểu tượng. Việc chọn ra quốc hoa phụ thuộc vào ý kiến của người dân Việt Nam dựa trên những tiêu chí nhất định. Trên cơ sở lấy ý kiến thông qua các hình thức khác nhau, chúng tôi sẽ tổng hợp dựa theo số phiếu cao nhất trước khi trình Thủ tướng quyết định cuối cùng về Quốc hoa.

 

Hiện tại, hoa sen đang được nhiều người dân bầu chọn nhiều nhất, tuy nhiên một số nước như Ấn Độ, Srilanka,… đã chọn hình ảnh hoa sen trắng làm Quốc hoa. Vậy nếu hoa sen là Quốc hoa Việt Nam, sự trùng hợp này có ảnh hưởng tới việc quảng bá hình ảnh?

 

Có thể nói mỗi nước có một đời sống xã hội khác nhau. Việc sử dụng Quốc hoa phụ thuộc vào tình hình mỗi nước và chắc chắn Việt Nam cũng sẽ sử dụng Quốc hoa vào những hoạt động quảng bá xã hội của riêng mình.

 
“Tôi bầu chọn hoa sen làm Quốc hoa” - 2

Hoa sen từ lâu đã là một phần trong đời sống xã hội của người dân VN.
 
 
 

Những tiêu chí chính bầu chọn Quốc hoa:

 

Hoa thể hiện được bản sắc, văn hóa, cốt cách tinh thần dân tộc VN

 

Hoa có nguồn gốc, hoặc trồng lâu đời ở Việt Nam

 

Hoa được phát triển ở nhiều vùng đất nước

 

Hoa bền đẹp, có hương thơm

 

Hoa được sử dụng nhiều trong văn học nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc và có giá trị sử dụng cao.

 

Hoa được nhiều người yêu thích, sử dụng và tôn vinh.

Hoa sen cũng từ lâu xuất hiện trong Phật giáo, liệu việc chọn hoa sen có mang hơi hướng tôn giáo không?

 

Không hề, hoa sen từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người dân Việt Nam. Trên nhiều bàn thờ tổ tiên cũng như tác phẩm nghệ thuật từ xưa của người Việt đã có hình ảnh hoa sen.

Ngoài ra, Phật giáo chủ yếu sử dụng hình ảnh đài sen, trong khi hoa sen là hình ảnh vô cùng gần gũi trong cuộc sống xã hội và tâm linh người Việt từ xưa tới nay.

 

Nếu hoa sen được chọn là Quốc hoa,  Bộ và các cơ quan có liên quan sẽ có sự quan tâm như thế nào trong việc giới thiệu, quảng bá?

 

Nếu hoa sen được chọn, chúng tôi sẽ có đề án quy hoạch cụ thể. Chúng ta có thể nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại để quốc hoa ngày càng trở nên đẹp, hiện đại, ấn tượng hơn góp phần hiệu quả vào việc giới thiệu và quảng bá theo các hình thức khác nhau.

 

Cá nhân ông bầu chọn loại hoa gì là Quốc hoa Việt Nam?

 

Tôi bầu chọn hoa sen làm Quốc hoa. Bởi chúng hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí mà Hội đồng tư vấn, tuyển chọn đưa ra đồng thời đó là loài hoa thân thuộc, gần gũi nhưng cũng đầy sang trọng đối với mỗi người dân Việt Nam.

 

Xin cảm ơn ông!
 
 

Còn với GS.TS KH Tô Ngọc Thanh khẳng định: “Mỗi nước có giá trị riêng, một hệ thực vật riêng đặc trưng. Do vậy, việc Canada chọn lá phong hay Việt Nam chọn Quốc hoa của riêng mình là điều hết sức bình thường.

 

Việc chọn lựa Quốc hoa hay rộng ra Quốc phục và Quốc tửu trên thế giới phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện riêng của mỗi nước. Với Việt Nam, tôi cho đây là thời điểm phù hợp, chín muồi để người dân bầu chọn những biểu tượng đặc trưng của đất nước mình.

 

Theo tôi được biết, loại hoa sen trắng mà Ấn Độ chọn lựa là hoa quỳ của người Việt. Trong khi Việt Nam chọn hoa sen hồng làm biểu tượng nên chúng ta không quá lo lắng về sự trùng hợp này.

 

Có thể nói bên cạnh sự quen thuộc, giản dị nhưng đầy sang trọng cũng như những giá trị thiết thực của hoa sen, ví dụ ngó sen thường được dùng trong ẩm thực Việt Nam, tâm sen dùng làm thuốc hay cốm phải bọc trong lá sen mới giữ được vị thơm ngon…, thì hoa sen chính là tâm thực của con người Việt Nam”.

 
 
Bài và ảnh: Lê Trường